Tại hội nghị, hai đơn vị đã thảo luận và thống nhất một số nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới như: tiếp tục thực hiện phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; tiếp tục rà soát, bổ sung các nội dung cần đưa vào quy chế phối hợp để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa đảm bảo quản lý Nhà nước về hải quan vừa thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn thành phố Hải Phòng.
Theo Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên, qua thực tiễn triển khai quy chế phối hợp giữa hai đơn vị đã khẳng định những hiệu quả bước đầu rõ nét, là hành lang hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đồng thời, giúp cán bộ, công chức tại hai đơn vị chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ phối hợp và thông qua các đầu mối công việc được xử lý nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Doanh nghiệp cũng đánh giá cao việc phối hợp thực hiện quy chế này của hai đơn vị, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa của doanh nghiệp và hoạt động quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư cũng như các tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Ông Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng, quy chế phối hợp đã cụ thể hóa các bước, các khâu nghiệp vụ trong phối hợp, quy định rõ nội dung phối hợp, hình thức phối hợp, chế độ báo cáo và trách nhiệm của mỗi bên. Qua đó, từng bước cụ thể và làm rõ hơn các nội dung công việc trên cơ sở các quy trình, quy định pháp luật.
Cục Hải quan thành phố và Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tiếp tục phối hợp thực hiện các nội dung trong quy chế; trong đó, tập trung việc lấy ý kiến về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan của doanh nghiệp chế xuất trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Hoặc, xác nhận bằng văn bản cho nhà đầu tư trong trường hợp không phải thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để thực hiện dự án đầu tư mở rộng.
Bên cạnh đó, phối hợp xử lý tài sản, hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu khi doanh nghiệp chuyển đổi loại hình từ doanh nghiệp chế xuất thành doanh nghiệp không hưởng chế độ chính sách doanh nghiệp chế xuất.
Hai đơn vị tập trung quản lý Nhà nước đối với chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, di chuyển địa điểm thực hiện dự án đầu tư; công tác giám sát hoạt động đầu tư; xử lý các vướng mắc phát sinh trong quản lý dự án đầu tư và tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư.
Ngoài ra, cung cấp, trao đổi thông tin thống kê về thu nộp thuế và kim ngạch xuất nhập khẩu của các tổ chức kinh tế trong khu công nghiệp, khu kinh tế; phối hợp trong tập huấn nghiệp vụ, hội nghị, hội thảo, xúc tiến đầu tư; chuyển đổi số…
Năm 2022, Hải Phòng đã thu hút vốn đầu tư vào khu kinh tế, các khu công nghiệp đạt gần 3,2 tỷ USD đứng thứ 4 cả nước; trong đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 2,5 tỷ USD với 48 dự án cấp mới, 37 dự án điều chỉnh tăng vốn; số còn lại là thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI).
Năm 2023, Hải Phòng tiếp tục chú trọng thu hút các doanh nghiệp có công nghệ cao thân thiện với môi trường, có tiềm lực, đóng góp lớn cho thành phố, có sức lan tỏa, thu hút được các doanh nghiệp trong nước theo định hướng phát triển ba trụ cột nền kinh tế đã được xác định đó là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển logistics, du lịch - thương mại.