Tính đến ngày 30/6, Hải Phòng có 24 dự án được cấp mới và 20 dự án điều chỉnh tăng vốn, đạt 617 triệu USD; trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI là 585 triệu USD.
Đầu tư của các doanh nghiệp trong nước vào Hải Phòng tăng cao, các Tập đoàn Vingroup, Sungroup, Xuân Trường, Himlam, FLC đã và đang triển khai khẩn trương đầu tư các dự án về đô thị, du lịch, nông nghiệp, y tế, giáo dục.
Cầu cảng hàng lỏng 10.000 tấn tại Khu hóa chất - hóa dầu thuộc Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất tại KKT Đình Vũ-Cát Hải. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Về thu hút FDI, số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn thành phố Hải Phòng là 501 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký 14,03 tỷ USD.
Những dự án FDI được cấp mới đây như: YeSUN Tech Co., Ltd. (Hàn Quốc) thực hiện dự án YeSUN Tech Việt Nam tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải; Grand Forward Pte.Ltd. và các cá nhân nhà đầu tư thực hiện dự án kho bãi và lưu trữ hàng hóa tại Khu công nghiệp MP Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải…
Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành, đạt được kết quả ấn tượng trên là do sức hấp dẫn về tiềm năng và lợi thế của thành phố như: kết cấu hạ tầng tiếp tục có những đột phá, các công trình lớn cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, cầu Bạch Đằng, mở rộng Quốc lộ 10, đường trục chính giao thông đô thị đang được triển khai tích cực, sẽ khánh thành vào cuối năm 2017, đầu năm 2018.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, thành phố đã khởi công các công trình cầu Hoàng Văn Thụ thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật Bắc sông Cấm; cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm - đường 356; cầu Tam Bạc, cầu Hàn, cầu Đăng, tuyến đường bộ ven biển… Đây là điểm nhấn khác biệt tạo nên sự hấp dẫn các nhà đầu tư đến đầu tư tại Hải Phòng.