Hải Dương xúc tiến tiêu thụ cà rốt

Cà rốt là một trong những loại nông sản hàng hóa chủ lực của Hải Dương, trồng tập trung tại huyện Cẩm Giàng và Nam Sách, cao điểm thu hoạch bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm.

Chú thích ảnh
Các đại biểu đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương và huyện Cẩm Giàng thăm vùng sản xuất cà rốt tập trung tại xã Đức Chính - vùng cà rốt trọng điểm của Cẩm Giàng.

Ngày 10/1, tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương và huyện Cẩm Giàng tổ chức hội nghị “Kết nối giao thương - Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cà rốt vụ Đông 2019 - 2020”. 

Sau khi thăm vùng sản xuất cà rốt tập trung tại xã Đức Chính - vùng cà rốt trọng điểm của Cẩm Giàng và dự lễ cắt băng xuất khẩu chuyến hàng đầu tiên đi thị trường Hàn Quốc của Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương, các đại biểu đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số tỉnh bạn cùng các doanh nghiệp, thương lái chế biến và tiêu thụ nông sản đã dự hội nghị trao đổi thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà rốt và gợi mở những hướng đi, cách làm để địa phương nâng cao giá trị cho sản phẩm cà rốt.

Xã Đức Chính hiện có 360 ha cà rốt. Cộng với diện tích cà rốt do người dân Đức Chính đi thuê đất các địa phương khác trồng và thu hoạch, vận chuyển về địa phương sơ chế và tiêu thụ, sản lượng cà rốt của Đức Chính ước khoảng 50.000 tấn/năm.

Ông Nguyễn Khắc Đức, thôn Yển Vũ, xã Đức Chính cho biết, gia đình ông cũng như bà con nhân dân trong xã luôn tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, đảm bảo người dùng hoàn toàn yên tâm sử dụng. Năm nay, chất lượng, mẫu mã cà rốt đều,đẹp, thương lái thu mua rất hài lòng.

“Người dân Đức Chính rất tự tin về trình độ thâm canh cà rốt. Tuy vậy, chúng tôi vẫn rất mong muốn được hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, như việc mở rộng hệ thống tưới tiết kiệm, hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và đặc biệt là đề nghị cấp trên quan tâm đến đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Có như vậy, cây cà rốt mới yên tâm đứng vững trên thị trường”, ông Hoàng Văn Chư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đức Chính bộc bạch.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng thu hoạch cà rốt vụ đông 2019 - 2020. 

Cây cà rốt là cây trồng vụ đông thế mạnh truyền thống của người dân Cẩm Giàng trong suốt 40 năm qua. Vụ Đông 2019 - 2020, toàn huyện gieo trồng khoảng 500 ha cà rốt, tập trung tại 4 xã Đức Chính, Cẩm Văn, Cẩm Vũ, Cao An. Cà rốt được trồng chuyên canh theo hướng hàng hoá tập trung với năng suất bình quân 38,5 tấn/ha.

Việc tiêu thụ cà rốt lâu nay chủ yếu được các doanh nghiệp, thương lái trên địa bàn huyện thu mua, sơ chế. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cẩm Giàng Nguyễn Văn Công cho biết, toàn huyện có 20 doanh nghiệp, thương lái thu gom cà rốt. Khoảng 50% sản lượng cà rốt được mang đi tiêu thụ tại các tỉnh miền Trung, miền Nam và các thành phố lớn trong cả nước, 50% còn lại được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… 

Tuy nhiên, việc tiêu thụ cà rốt Cẩm Giàng vẫn còn đối mặt với một số khó khăn: sản lượng lớn, thu hoạch trong thời gian ngắn, công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch chưa phát triển, việc sản xuất có liên kết theo chuỗi chưa bền vững…

“Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp tăng cường tìm kiếm thị trường và đẩy mạnh công nghệ chế biến sau thu hoạch để nâng cao giá trị gia tăng cho cây cà rốt và đẩy mạnh xuất khẩu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương hướng dẫn để địa phương tăng diện tích cà rốt được chứng nhận VietGAP”, ông Nguyễn Văn Công chia sẻ.

Đại diện các doanh nghiệp tiêu thụ cà rốt tham dự hội nghị cho biết, chất lượng cà rốt Cẩm Giàng thời gian qua đã được các thị trường đón nhận, do đó địa phương cần tiếp tục định hướng cho nông dân sản xuất đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng mong muốn huyện Cẩm Giàng và tỉnh Hải Dương tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản về địa bàn. Đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp trong liên kết với các vùng trồng nguyên liệu. 

Chú thích ảnh
Sơ chế, đóng gói sản phẩm xuất khẩu đi Hàn Quốc tại Công ty cổ phần chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương trên địa bàn huyện Cẩm Giàng.

Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 1.500 ha cà rốt, trong đó riêng vụ Đông là 1.200 ha, tập trung tại huyện Cẩm Giàng và Nam Sách.

Nhấn mạnh về thương hiệu và chất lượng cà rốt Cẩm Giàng, ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương khẳng định, sau 40 năm canh tác, hiện nay trình độ thâm canh của nông dân Cẩm Giàng ngày càng cao, đưa năng suất, chất lượng cà rốt Cẩm Giàng vượt trội so với các nơi. Sản phẩm cà rốt Cẩm Giàng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, người tiêu dùng hoàn toàn có thể tin tưởng và yên tâm sử dụng.

Đánh giá cao về truyền thống, kinh nghiệm canh tác và chất lượng cà rốt của Cẩm Giàng, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, trong thời gian tới, song song với việc sản xuất sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm, Hải Dương cần nghiên cứu đa dạng hóa các loại sản phẩm từ cà rốt để có thể đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Đồng thời, địa phương cần giúp người nông dân thay đổi tư duy trong sản xuất, sơ chế, chế biến và bảo quản cà rốt nói riêng và các loại nông sản khác. Tỉnh Hải Dương cũng cần chú trọng tăng diện tích cà rốt được chứng nhận VietGAP và tiến tới nâng cấp lên tiêu chuẩn GlobalGAP. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cam kết thời gian tới sẽ phối hợp và hỗ trợ Hải Dương trong việc xúc tiến tiêu thụ cây vụ Đông nói chung, trong đó có cà rốt.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, thời gian tới, Sở sẽ quan tâm hỗ trợ hạ tầng cho sản xuất, sớm hỗ trợ nông dân Đức Chính áp dụng hệ thống tưới nước tự động, tiết kiệm; tiếp tục hướng dẫn nông dân sản xuất cà rốt theo quy trình VietGAP, tăng diện tích được cấp chứng nhận VietGAP…

Tỉnh Hải Dương cũng đã quan tâm, ban hành cơ chế hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho chế biến, bảo quản nông sản theo hướng hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ. Dự kiến, sắp tới sẽ có hai dự án hợp tác xã Đức Chính và hợp tác xã Tân Minh Đức được hỗ trợ dự án vay vốn ODA của Hàn Quốc để đầu tư máy móc sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ cà rốt Cẩm Giàng.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng tiêu thụ cà rốt vụ Đông 2019 - 2020 với các đơn vị sản xuất.

Tin, ảnh: Mạnh Minh (TTXVN)
Xây dựng Kinh Môn (Hải Dương) trở thành đô thị thông minh, hiện đại, đáng sống
Xây dựng Kinh Môn (Hải Dương) trở thành đô thị thông minh, hiện đại, đáng sống

Tối 28/12, Thị ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Kinh Môn đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương và đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN