Hải Dương: Xuất khẩu những tấn vải thiều đầu tiên trong năm 2021 

Sáng 18/5, tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã tổ chức Lễ mở vườn thu hái vải xuất khẩu và xuất khẩu chuyến vải thiều đầu tiên đi Nhật Bản, Singapore với tổng sản lượng khoảng 100 tấn.

Chú thích ảnh
Các đại biểu thực hiện nghi thức xuất khẩu chuyến vải thiều đầu tiên đi Nhật Bản. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Đây là chương trình mở đầu chuỗi sự kiện quảng bá vải thiều Thanh Hà năm 2021 của tỉnh Hải Dương.

Sự kiện có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng đại diện một số bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Hải Dương và nông dân vùng trồng vải Thanh Hà.

Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, việc xuất khẩu vải sang thị trường Nhật Bản năm nay thuận lợi hơn nhiều so với năm trước. Bởi, phía Nhật Bản đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật giám sát xông hơi khử trùng tại Việt Nam.

Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn và uy tín như: Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Rồng đỏ... đã kết nối với vùng trồng để thu mua vải xuất khẩu đi Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên hái những chùm vải đầu tiên để xuất khẩu. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Niên vụ vải năm 2021, Hải Dương sẽ xuất khẩu khoảng 1.000 tấn vải sang thị trường Nhật Bản;  khoảng 1.000 tấn sang thị trường Mỹ, Australia, Singapore và khoảng từ 800 - 1.000 tấn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Thái Lan, Trung Đông, Malaysia.

Đến nay, Hải Dương đã có 4 buồng hun trùng ở 3 khu sơ chế đóng gói xuất khẩu đi Nhật Bản. Ngoài ra, tỉnh cũng có 1 cơ sở đóng gói vải xuất khẩu đi Australia, 1 cơ sở đóng gói xuất khẩu đi Thái Lan và khoảng 10 cơ sở đóng gói vải tươi và vải cấp đông xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... cùng 20 đơn vị cung cấp vải chất lượng cao cho các hệ thống nông sản sạch trong cả nước.

Đối với thị trường Trung Quốc, tỉnh Hải Dương dự kiến xuất khẩu 30.000-35.000 tấn sang thị trường này và các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu thu mua từ ngày 15/5.  Tỉnh hiện có khoảng 70 cơ sở đóng gói được cấp mã số đóng gói xuất khẩu đi Trung Quốc.

Ông Nguyễn Thành Công ở xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà bày tỏ niềm vui khi hái những trái vải đầu tiên của vụ mùa 2021 được xuất khẩu đi Nhật Bản. Ông Công cho biết: “Dù dịch COVID-19 nhưng được sự quan tâm của các cấp, chính quyền, vải thiều Thanh Hà đã được giới thiệu, chào bán trên sàn thương mại điện tử, được xuất khẩu sang nhiều thị trường nước ngoài hơn nên người dân rất phấn khởi”.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng (trái) giới thiệu những đặc điểm riêng có của quả vài thiều Hải Dương. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Thời điểm này, vải thiều sớm đang cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch vải thiều chính vụ sẽ bắt đầu từ ngày 5/6 và thu hoạch rộ từ ngày 10/6, với sản lượng trà vải sớm khoảng 30.000 tấn, vải thiểu chính vụ khoảng 25.000 tấn.

Tỉnh Hải Dương hiện có 9.168 ha sản xuất vải với sản lượng dự kiến 55.000 tấn; trong đó, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và quy trình GlobalGAP gồm 45 vùng với 450ha. Diện tích được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu có tổng diện tích 8.000 ha. Hiện nay, các vùng vải đang được kiểm soát tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Kết quả các mẫu giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.

Mạnh Minh (TTXVN)
Chuẩn bị đủ điều kiện để trực tiếp giám sát vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản
Chuẩn bị đủ điều kiện để trực tiếp giám sát vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phía Nhật Bản đã ủy quyền cho cán bộ kiểm dịch của Việt Nam thay thế cho cán bộ Nhật Bản trực tiếp giám sát các lô vải phải xử lý khử trùng trước khi xuất khẩu. Đến nay, các điều kiện cần thiết đã được chuẩn bị đầy đủ để thực hiện ngay công việc này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN