Hà Nội siết chặt công tác kiểm tra phòng, chống dịch tả lợn châu Phi 

Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng như các dịch bệnh khác như bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng.

Phát biểu tại hội nghị “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” và sơ kết quý I,  triển khai nhiệm vụ, giải pháp 9 tháng cuối năm 2019 do Ban Chỉ đạo Chương trình 02- CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 3/4, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội đã nêu rõ quyết tâm của Hà Nội trong việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước, gây thiệt hại đến người chăn nuôi.

Chú thích ảnh
Đồng chí Ngô thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Theo đó, bà Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các đơn vị cần tập trung quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng như các dịch bệnh khác như: bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng. Bên cạnh đó, các đơn vị không được chủ quan với dịch bệnh và có biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ; khuyến khích phát triển chăn nuôi xa khu dân cư. Đồng thời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phải siết chặt việc kiểm tra phòng, chống dịch, nhất là tại các chốt kiểm dịch.

Chú thích ảnh
Đoàn kiểm tra dịch tả lợn châu Phi tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong quý I/2019, Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ Xuân theo đúng thời vụ với tổng diện tích gieo trồng 114.170ha; tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố, chính quyền các quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm A/H5N6...

Hà Nội đã có 262 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Trong xây dựng nông thôn mới, toàn thành phố có 325/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 3 xã Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung (huyện Đan Phượng) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018. Trong số 61 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 7 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 46 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, còn 8 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 - 14 tiêu chí.

Toàn thành phố đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức. Các huyện Quốc Oai, Gia Lâm và Phúc Thọ đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Trung ương thẩm định, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

Ngoài ra, thành phố tiếp tục chỉ đạo các huyện Thạch Thất, Sóc Sơn, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây hoàn thiện các tiêu chí đề nghị công nhận huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Bên cạnh những thành tích đạt được, trong xây dựng nông thôn mới của Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập như việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tâm lý mạnh dạn đổi mới còn dè dặt và vẫn xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, nhất là dịch tả lợn châu Phi.

Tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung xã và lập quy hoạch chi tiết của các xã theo Thông tư số 02/2017/TT-BXD ngày 01/3/2017 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về quy hoạch xây dựng nông thôn còn rất chậm, chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu đề ra hoàn thành xong trong năm 2018. 

Đặc biệt, đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, thiếu ổn định, kinh tế còn khó khăn, như các huyện Ứng Hòa là 37,1 triệu đồng/người/năm, Mỹ Đức 38 triệu đồng/người/năm, Ba Vì 38,5 triệu đồng/người/năm, Sơn Tây 39 triệu đồng/người/năm, Phú Xuyên 39,6 triệu đồng/người/năm, trong khi bình quân khu vực nông thôn của Hà Nội là 46,5 triệu đồng/người/năm.

Phát biểu tại hội nghị, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội đã chỉ rõ, các địa phương cần triển khai lĩnh vực nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; phát triển theo chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về thuốc trừ sâu, thuốc thú y, vật tư nông nghiệp, quản lý đê điều, khắc phục thiên tai; triển khai các chương trình dự án phát triển nông nghiệp và thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về các xã để phát triển từ cơ sở.

Trong xây dựng nông thôn mới, việc tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm về xây dựng nông thôn mới là một trong 8 chương trình trọng tâm của Thành ủy nhằm đánh giá những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn thách thức cần khắc phục trong thời gian tới. Ngoài ra, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới về cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, nâng cao nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng, giữ vững an ninh nông thôn.

Đối với huyện Gia Lâm, Quốc Oai và Thạch Thất cần hoàn thiện hồ sơ hoàn thành huyện nông thôn mới. Các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2019 phải tập trung quyết liệt xây dựng và hoàn thiện những tiêu chí còn chưa đạt, cơ bản đạt, phấn đấu năm 2019 có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục hoàn thiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường... trong xây dựng nông thôn mới.

Nam Giang  (TTXVN)
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại 9 quận, huyện của Hải Phòng
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại 9 quận, huyện của Hải Phòng

Tính đến 19 giờ ngày 2/4, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 9 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hải Phòng, gồm: các quận Dương Kinh, Hải An, Kiến An và các huyện Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Dương, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy và An Lão với số lợn bắt buộc phải tiêu hủy gần 18.900 con.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN