Để kiểm soát việc nuôi cũng như kinh doanh tôm càng đỏ, các đơn vị chức năng của Sở đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở nuôi trồng thủy sản, kinh doanh thủy sản làm cảnh, giải trí nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi nuôi, lưu trữ, sản xuất, kinh doanh trái phép tôm càng đỏ.
Theo đó, thời gian qua, đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 26 cơ sở nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản. Qua thanh tra, kiểm tra, không phát hiện cơ sở nào đang nuôi, lưu giữ tôm càng đỏ, hay các thủy sinh vật ngoại lai xâm hại khác.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở nuôi trồng, sản xuất giống thủy sản, kinh doanh thủy sản làm cảnh, giải trí; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về tác hại của tôm càng đỏ đối với môi trường tự nhiên và sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, vận động người dân, doanh nghiệp không sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ loài tôm càng đỏ….
Theo cơ sở dữ liệu toàn cầu về các loài ngoại lai thì tôm càng đỏ là loài gây hại điển hình. Nó có thể nhanh chóng thiết lập thành đàn và trở thành loài sinh vật chính, tác động đến môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học rất ghê gớm theo cả 3 hướng.
Thứ nhất, tôm càng đỏ cạnh tranh nơi ở, thức ăn đối với loài tôm bản địa, đặc biệt là tôm càng. Chúng có thể tấn công loài sinh vật bản địa để làm thức ăn, làm suy giảm nguồn thức ăn vì chúng ăn được các nhóm động vật không xương sống, các loài nhuyễn thể.
Thứ hai, loài tôm càng đỏ này có thể lan truyền bệnh sang loài sinh vật bản địa, nhất là loài gần gũi với nó như: tôm càng, giáp xác, với những loại bệnh dễ lây như virus, nấm, ký sinh trùng…
Ngoài ra, tôm càng đỏ có khả năng đào hang hốc, nếu phát tán ra ngoài môi trường thì không chỉ làm suy giảm đa dạng sinh học mà còn gây thiệt hại, hư hỏng các công trình thủy lợi. Điều này đã được ghi nhận thực tế ở một số nơi trên thế giới.