Nhưng từ giữa tháng 4 đến nay, ngành chăn nuôi lợn của Hà Nội rơi vào cảnh "lao dốc không phanh", khi giá lợn hơi rớt xuống chỉ còn 15.000 đồng/kg.
Điều này được ví như một "thảm họa" chưa từng xảy ra với ngành chăn nuôi lợn Hà Nội trong suốt 30 năm qua và có thể để lại hệ lụy lâu dài, nhất là nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn lợn khi người nuôi bỏ bê chăm sóc.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, hiện tổng đàn lợn toàn thành phố Hà Nội là gần 1,9 triệu con với gần 120.000 hộ, trong đó, đàn lợn nái là trên 230.000 con, đàn lợn thịt gần 1,65 triệu con, đàn lợn đực giống trên 2.800 con.
Hà Nội cần kịp thời có giải pháp cho ngành chăn nuôi lợn. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN |
Nhìn lại năm 2016, với chăn nuôi lợn trên thành phố có bước tăng trưởng khá, đặc biệt số trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, đến nay có 1.086 trại với tổng số lợn gần 525.000 con.
Trong năm 2016 giá tiêu thụ lợn thịt, lợn giống khá ổn định, giá thị trường lợn giống có mức khoảng từ 900.000 đến 1 triệu đồng/con, giá thịt lợn hơi xuất chuồng dao động từ 32.000 đồng/kg - 35.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm cao giá lên hơn 40.000 đồng/kg, người chăn nuôi có lãi cao nên đã phát triển nhanh, có nơi phát triển theo phương thức tự phát.
Việc chăn nuôi không theo quy hoạch cứ thấy thị trường có lãi là ồ ạt tái đàn, khi "cung vượt quá cầu" lại rơi vào cảnh "được mùa rớt giá". Nguyên nhân giá lợn xuống thấp được cho là do thị trường Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu mặt hàng này.
Trước đó, vào tháng 3 - 4/2016, việc thu mua lợn sống qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và Cao Bằng tăng đột biến, do các thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua. Mỗi ngày có khoảng 50 - 100 xe tải, cao điểm lên tới gần 300 xe chở lợn giao cho thương lái Trung Quốc. Nhưng tới cuối tháng 7/2016, xe chở lợn dồn ứ tại các cửa khẩu do thương lái Trung Quốc dừng thu mua đã khiến giá lợn giảm nhanh chóng.
Theo ông Nguyễn Trọng Long - Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Hoàng Long (Thanh Oai - Hà Nội) tại thời điểm này, giá cửa trại ở khu vực huyện Thanh Oai, Mỹ Đức chỉ còn khoảng 19.000 - 22.000 đồng/kg. Ở khu vực chăn nuôi quy mô vừa, quy mô nhỏ lẻ, chăn nuôi nông hộ giá còn thấp hơn, khoảng 17.000 - 20.000 đồng/kg, thậm chí có nơi người chăn nuôi chỉ bán ở giá 15.000 - 18.000 đồng/kg.
Với giá thấp như vậy sẽ kéo theo một loạt các hệ lụy đến với người chăn nuôi như thua lỗ, càng nuôi càng lỗ nặng vì giá đầu vào để hòa vốn và có lãi phải đảm bảo giá khoảng 35.000 - 38.000 đồng/kg. Với giá tại thời điểm hiện tại người chăn nuôi có thể bị lỗ từ 1,5 đến 2 triệu đồng/con.
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số chợ ở Hà Nội trong mấy ngày vừa qua, giá thịt lợn bán lẻ khá cao, dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg tùy vào loại thịt và số lượng mua nhiều hay ít. Cụ thể, giá thịt mông dao động từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, thịt vai giá 85.000 - 90.000 đồng/kg... Tại các siêu thị, giá thịt cũng không có nhiều thay đổi so với thời gian trước.
Khảo sát gian hàng thịt tươi tại siêu thị Intimex cho thấy, giá thịt nạc thăn ở mức 105.000 đồng/kg, thịt nạc vai khoảng 110.000 đồng/kg, thịt ba chỉ dao động từ 95.000 - 112.000 đồng/kg...
Tìm hiểu thông tin về giá thành bán tại một số lò mổ ở tại thôn Lực Canh, phường Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội được biết, giá thịt lợn hơi dao động từ 24.000 - 30.000 đồng/kg. Khảo sát một số hộ gia đình nuôi lợn tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội, giá lợn hơi chỉ từ 24.000 - 26.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Minh Thành, người chăn nuôi lợn tại huyện Ứng Hòa cho biết, hiện lợn nuôi khoảng 5 tháng là có thể xuất bán, nhưng với giá lợn hơi hiện tại, người chăn nuôi lỗ khoảng từ 1.000.000 - 1.500.000 đồng/con.
Ông Thành chia sẻ: "Giá thịt giảm liên tiếp khiến các hộ chăn nuôi chúng tôi lỗ nhiều, nhưng cái khó chịu nhất là chúng tôi bán lợn với giá rất rẻ nhưng phải mua thịt ngoài chợ với mức giá gấp 3, 4 lần".
Cùng chung tâm trạng với ông Thành, ông Lê Quang Vinh, người chăn nuôi lợn tại huyện Đông Anh bộc bạch: "Người nông dân bỏ biết bao công sức mới nuôi lớn được con lợn, phải trả đủ thứ chi phí nhưng lại phải chịu lỗ.
Trong khi đó, giá thịt do các tiểu thương bán ra lại không hề biến chuyển. Sự chênh lệch ở khâu nào, vào tay ai không rõ ràng khiến người chăn nuôi chúng tôi rất bức xúc".
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, để thúc đẩy ngành chăn nuôi lợn phát triển ổn định và bền vững, tránh "được mùa rớt giá" như thời gian vừa qua, Hà Nội cần phát triển chăn nuôi theo quy hoạch nhằm khai thác một cách tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên và xã hội của địa phương, giúp phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, tạo ra lượng sản phẩm lớn, tính đồng đều cao.
Theo đó, quy hoạch vùng chăn nuôi lợn tập trung ngoài khu dân cư tại các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Ba Vì, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây...
Mặc dù hiện nay nông dân Thủ đô mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% cho thị trường, nhưng vẫn rơi vào thế bị động và giá cả còn thấp, chưa mang lại lợi nhuận lớn. Vì vậy, đối với ngành chăn nuôi lớn như ở Hà Nội thì việc tìm giải pháp để hàng hóa người dân sản xuất ra đủ sức cạnh tranh ngay tại địa bàn Thủ đô đang hết sức cần thiết.