Hà Nội đẩy lùi hàng hóa kém chất lượng

Ngày 2/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động làm Trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động tại Thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Hà Nội là địa bàn rộng, đông dân cư, tình hình hàng hóa luân chuyển vào địa bàn lớn, đặc biệt phức tạp trong việc chống hàng lậu, hàng giả. Vì vậy, Hà Nội cần tập trung hơn nữa để đấu tranh đẩy lùi hàng hóa kém chất lượng vào địa bàn.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắm tới cả đối tượng là lao động từ các tỉnh, thành khác về và khách du lịch để tuyên truyền, vận động, chứ không chỉ đối với người dân trên địa bàn Thủ đô. Bên cạnh đó, Hà Nội cần chú trọng tuyên truyền về công tác triển khai Cuộc vận động đối với cán bộ, đảng viên và đặc biệt là các lãnh đạo trong việc đăng ký mua sắm tài sản công của các sở, ngành.

Thực hiện Thông báo kết luận 264-KL/TW của Bộ Chính trị, kết luận số 107-KL/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã từng bước triển khai thực hiện một cách sâu rộng và có hiệu quả.

Riêng năm 2016, thành phố đã chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động gắn với các kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tổ chức thực hiện Cuộc vận động đã tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng.

Người tiêu dùng đã ý thức trong việc lựa chọn các sản phẩm hàng nội địa; tỉ lệ sử dụng hàng trong nước tại công sở, cơ quan tăng rõ rệt, tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển. Các doanh nghiệp cũng chủ động tích cực tham gia cuộc vận động bằng cách áp dụng nhiều công nghệ để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng trong mẫu mã, giảm giá thành, tăng cường quảng bá sản phẩm, từng bước thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tiêu hủy rượu ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền về Cuộc vận động được đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức thích hợp…Việc thực hiện Cuộc vận động cũng được gắn với các chương trình, đề án đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, bình ổn thị trường, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ hàng Việt, hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ được tổ chức đã đưa hàng Việt Nam đến về tận nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp chế xuất, các khu tập trung đông sinh viên.

Cùng với đó, thành phố cũng triển khai quy chế hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu; chương trình hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm có thế mạnh của làng nghề; thực hiện chương trình liên kết vùng, kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố cả nước để đưa các sản phẩm ở các địa phương khác về tiêu thụ tại Hà Nội…

Các ngành chức năng của thành phố cũng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, giá cả sản phẩm chống hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại, góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

Trong 10 tháng năm 2016, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 7.430 vụ (đạt 101,85% so với cùng kỳ 2015); xử lý 7.081 vụ (đạt 102,5% so với cùng kỳ 2015); thu về gần 119 tỷ đồng.

Sau buổi làm việc, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và Đoàn công tác đã đi khảo sát thực hiện Cuộc vận động tại Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp (Đông Anh, Hà Nội).

Minh Huệ (TTXVN)
Cuối năm hàng giả tung hoành
Cuối năm hàng giả tung hoành

Càng về cuối năm, hàng giả, hàng kém chất lượng "tăng cường" bung hàng dụ dỗ người tiêu dùng. Trong lúc các "thượng đế" vất vả chống đỡ, ngành chức năng vẫn loay hoay với các giải pháp tình thế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN