Góp ý Đề án 1 triệu ha chuyên lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh

Ngày 17/3, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chú thích ảnh
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm mục tiêu quan trọng là tổ chức lại sản xuất lúa gạo, theo hướng bền vững. Ảnh minh họa: Phạm Minh Tuấn/TTXVN

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện của Ngân hàng thế giới (WB), lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành và doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đến nay, 12/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đăng ký tham gia thực hiện đề án, với định hướng vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao đến năm 2025 đạt 719.000 ha và đến năm 2030 đạt hơn 1,015 triệu ha; trong đó, tỉnh An Giang là địa phương đăng ký vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao lớn nhất (dự kiến đến năm 2025 đạt 150.000 ha và đạt 200.000 ha vào năm 2030).

Trên cơ sở định hướng quy hoạch lúa gạo của từng địa phương trong vùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phân tích, việc tổ chức lại sản xuất sẽ còn nhiều khó khăn về vấn đề chuyển đổi diện tích sản xuất, liên kết nông dân tham gia vào các hợp tác xã, đặc biệt là kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ngân hàng Thế giới và các cơ quan chuyên môn cố gắng thúc đẩy sớm hoàn thành dự thảo Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dựa trên những thành công và nỗ lực sản xuất lúa gạo đạt được từ diện tích triển khai Dự án VnSAT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị ngành nông nghiệp các địa phương tham gia đề án củng cố, kiện toàn và tiếp tục nhân rộng. Các diện tích lúa đăng ký tham gia đề án đến năm 2025 là những vùng lúa có điều kiện sản xuất thích hợp, được đầu tư cơ sở hạ tầng và tổ chức sản xuất tương đối tốt. Kết quả khảo sát tình hình sản xuất lúa tại 4 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Long An, Đồng Tháp, An Giang và thành phố Cần Thơ để phục vụ xây dựng Đề án, các tỉnh đều thể hiện sự đồng thuận và đánh giá cao ý tưởng của đề án và có kế hoạch cụ thể tham gia đề án đến giai đoạn 2025 và đến giai đoạn 2030.

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng và đăng ký tham gia, hỗ trợ tích cực của các địa phương vùng cùng các đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, nhất là Ngân hàng Thế giới.

Đại diện Ngân hàng Thế giới, ông Li Gou, Chuyên gia cao cấp đánh giá, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nền tảng và kinh nghiệm tốt từ Dự án VnSAT, đây sẽ là tiền đề để vùng xây dựng thành công Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việc áp dụng các kỹ thuật canh tác bền vững trong đề án sẽ giúp bà con nông dân tiết giảm chi phí đầu vào, nâng cao thu nhập, tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt là nâng cao khả năng tiếp cận nguồn tài chính carbon mà thế giới đang hướng tới.

Theo ông Li Gou bên cạnh giảm chi phí sản xuất, dự kiến thu nhập của bà con nông dân sẽ được nâng thêm khoảng 20% thông qua cải thiện về năng suất và chất lượng; năng lực cạnh tranh của lĩnh vực sản xuất lúa được nâng cao, dấu ấn giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng sẽ được định hình, hệ sinh thái nông thôn được phục hồi. Từ đó, chuỗi giá trị lúa gạo trong Đề án sẽ được tăng cường cả về thế mạnh và chiều sâu.

Tại hội thảo, các đại biểu tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ đối với đề án; đồng thời, đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm giúp hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt đề án trong thời gian tới: xây dựng bộ tiêu chí cụ thể cho các vùng chuyên canh để các tỉnh có cơ sở để theo dõi, giám sát, đánh giá và báo cáo; quan tâm đào tạo các vấn đề liên quan đến thị trường carbon, cấp chứng nhận, theo dõi; xây dựng quy định, khung pháp lý cụ thể liên quan đến việc cấp tín chỉ carbon thấp và chia sẽ quyền lợi khi đạt chứng chỉ cho các bên tham gia; nghiên cứu và chuyển giao các giải pháp xử lý vấn đề về sản phẩm phụ phẩm từ lúa gạo; hỗ trợ vốn phát triển cơ sở hạ tầng về đường, điện, đê bao, thủy lợi nội đồng, hiện đại hóa trạm bơm, tưới tiêu...

Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm mục tiêu quan trọng là tổ chức lại sản xuất lúa gạo, theo hướng bền vững, giải quyết vấn đề manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất hiện đang tồn tại trong vùng. Qua đó, đề án hướng tới giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường; nâng cao giá trị và thu nhập từ cây lúa cho bà con nông dân; góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu hiệu quả.

Thu Hiền (TTXVN)
Lộc Trời hợp tác hỗ trợ vốn 100 triệu USD mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao
Lộc Trời hợp tác hỗ trợ vốn 100 triệu USD mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) vừa ký kết Hợp đồng cấp tín dụng hợp vốn với 7 ngân hàng lớn trong và ngoài nước, trong thời gian 3 năm, hạn mức 100 triệu USD. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN