Trang tin Los Angeles Times ngày 8/10 nhận định việc là 1 trong 12 quốc gia tham gia Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc đàm phán, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng với mức thuế bằng 0 tới thị trường rộng lớn gồm các quốc gia trong khối hiện chiếm tới 2/5 thương mại toàn cầu.
Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng (phải, ngoài cùng) và Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP trong cuộc họp báo thông báo về thỏa thuận TPP tại hội nghị ở Atlanta ngày 5/10. Ảnh: THX-TTXVN |
Theo dự báo của Viện kinh tế quốc tế Peterson, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Khi TPP có hiệu lực, nhiều khả năng Việt Nam sẽ chứng kiến sự bùng nổ xuất khẩu về các sản phẩm may mặc và giày dép. Hiện Việt Nam đang hoàn thiện các quy định về thuế và đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, theo đuổi các thỏa thuận thương mại khác để tạo lợi thế thu hút đầu tư.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngân hàng đầu tư Goldsman Sachs dự báo nền kinh tế Việt Nam hiện đứng thứ 55 trên thế giới và sẽ vươn lên vị trí 17 vào năm 2025 với GDP tăng từ 186 tỉ USD (hiện tại) lên 450 tỉ USD.
Năm 2014, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức 6%, dự báo sẽ vẫn duy trì được mức tăng trưởng trên trong năm nay. Kể tử khi Việt Nam mở cửa thị trường cho đầu tư nước ngoài, tỉ lệ tăng trưởng luôn đạt mức từ 5-10% mỗi năm.
Sandeep Mahajan, chuyên gia về kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Việt Nam là một trong những điểm đến đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút được nhiều nhất các nhà đầu tư.
Các chuyên gia cũng cho rằng bên cạnh việc tham gia các hiệp định thương mại, Việt Nam tiến tới sẽ ký hiệp định tự do thương mại với Liên minh châu Âu, điều đó sẽ giúp giảm đáng kể các loại thuế vốn đang áp dụng đối với những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam tại thị trường các nước này.