Gỡ khó lãi suất cho doanh nghiệp

Thiếu vốn, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hàng hóa tồn kho được dự báo vẫn là nỗi lo trọng tâm của các doanh nghiệp năm 2014. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Cao Sỹ Kiêm (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V), nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xung quanh vấn đề này.

 

 

Ông đánh giá như thế nào về “sức khỏe” của doanh nghiệp trong năm qua?


Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy: Ước tính năm 2013, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 76.955 doanh nghiệp, tăng 10,1% so với năm 2012. Nhưng số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm nay lại tăng 11,9% so với năm trước. Theo tôi, “sức khỏe” của nền kinh tế, doanh nghiệp cũng đã có dấu hiệu hồi phục nhưng những doanh nghiệp thành lập mới vẫn chiếm quy mô rất nhỏ, nguồn lao động sử dụng ít, chưa có thương hiệu nên khả năng tạo đột phá cho nền kinh tế chưa nhiều. Nếu như năm 2012, số doanh nghiệp phá sản, giải thể thuộc đối tượng nhỏ và vừa thì năm nay, phần lớn số doanh nghiệp “khai tử” nằm trong danh sách công ty sử dụng nhiều lao động, vốn đã xây dựng được thương hiệu và đóng góp cho ngân sách Nhà nước.


Nguồn vốn ưu đãi sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN


Trong khi đó, nền kinh tế vẫn được nhìn nhận còn nhiều khó khăn, sức mua ảm đạm, hàng hóa tồn kho cao nên không ít doanh nghiệp co hẹp sản xuất. Theo dự báo, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản sẽ vẫn tăng. Khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp được thể hiện ở những điểm sau: Khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là những khoản vốn trung và dài hạn; lãi suất còn ở mức cao. Mặc dù năm qua, ngân hàng đã thành công trong việc kiềm chế lạm phát, lãi suất đã hạ nhiều nhưng nếu so với thế giới, lãi suất ngân hàng của chúng ta vẫn đang ở mức cao, gấp 2 - 3 lần so với thế giới. Lãi suất hiện nay của Việt Nam vẫn ở mức 7 - 8%/năm, thậm chí là 10%/năm, trong khi khả năng sinh lời của doanh nghiệp ở mức thấp. Muốn cứu các doanh nghiệp trong lúc này thì lãi suất cho vay nên ở mức 6 - 7%/năm.


Tuy nhiên, cái khó hiện nay là việc điều chỉnh lãi suất còn phụ thuộc vào chỉ số lạm phát trong khi mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2014 được đưa ra ở mức 7%. Lãi suất huy động phải ở mức trên 7% thì người dân mới gửi tiền vào ngân hàng. Còn ngân hàng huy động lãi suất tiền gửi là 7% thì đương nhiên lãi suất cho vay phải là 10%. Thế nên, tiếp tục hạ lãi suất, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh vẫn là giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

 

Nhận định của ông về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2014?


Theo tôi, khó khăn của doanh nghiệp trong năm 2013 sẽ vẫn kéo sang năm 2014. Sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa thoát được sự đình trệ; khả năng doanh nghiệp phá sản, co hẹp sản xuất vẫn tiếp tục diễn ra; chi phí đầu vào tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lại giảm... Khó khăn tiếp theo là vấn đề nợ xấu. Nợ xấu là nguyên nhân khiến cả doanh nghiệp và ngân hàng gặp bế tắc. Ngân hàng không tiêu vốn được mà doanh nghiệp khát vay do doanh nghiệp vẫn còn nợ đọng.


Mặc dù trong năm qua, chúng ta đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng hiệu quả chưa cao. Hàng hóa của doanh nghiệp tồn kho nhiều, sức mua yếu nên doanh nghiệp không bán được hàng, không có tiền trả nợ cho ngân hàng nên không thể vay vốn tiếp được. Phía ngân hàng muốn cho vay nhưng nếu cho vay mà doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả thì khoản vay đó lại trở thành nợ xấu.


Hiện chúng ta còn chưa phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 02 (hạn chót thực hiện là 1/6/2014). Nếu chiếu theo Thông tư này để phân loại, tỷ lệ nợ xấu của các doanh nghiệp hiện nay ở mức rất cao. Trong khi đó, việc giải quyết nợ xấu của doanh nghiệp Việt Nam thực chất chỉ là chuyển “vị trí” chứ chưa giải quyết được triệt để.


Một điểm nữa khiến tôi lo ngại, thu ngân sách Nhà nước vẫn đang ở mức thấp, đồng nghĩa là khả năng đóng thuế của doanh nghiệp không cao hoặc không có lợi nhuận để nộp thuế. Như vậy, nợ đọng thuế lại càng nhiều. Điều này lại vi phạm đến điều kiện, ràng buộc vay của ngân hàng. Như vậy, khó khăn của năm 2013 vẫn tiếp tục kéo sang năm 2014 cho dù NHNN đặt ra mục tiêu tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16 - 18%, tín dụng tăng khoảng 12 - 14%.

 

Theo ông, giải pháp chính để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong năm tới là gì?


Trong 9 nhóm giải pháp lớn mà Chính phủ đề ra thực hiện trong năm 2014 thì có nhóm giải pháp thứ 2: Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đóng vai trò quan trọng. Theo đó, ngành ngân hàng tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất. Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với NHNN, các bộ, cơ quan, địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2014 về tình hình triển khai gói hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng, những khó khăn vướng mắc và kiến nghị các giải pháp khắc phục... Tôi cho rằng, đây là những giải pháp tương đối đầy đủ nhưng việc triển khai cần phải được thực hiện đồng bộ, nhanh, rõ ràng và minh bạch


Năm 2013, NHNN đã có giải pháp hỗ trợ lãi suất cho 5 lĩnh vực ưu tiên là: Nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; DNN&V; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì năm 2014 vẫn tiếp tục duy trì ưu tiên cho các lĩnh vực này. Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đang triển khai hiện chưa trúng, chưa hiệu quả thì phải điều chỉnh.


Bên cạnh việc ngân hàng nên hạ lãi suất, các doanh nghiệp cũng phải tiết giảm các chi phí để hạ giá thành sản phẩm; giảm biên chế nhân sự để bộ máy không phình to, gây lãng phí. Những giải pháp này cần phải được thực hiện đồng bộ. Doanh nghiệp phải tự kiểm điểm đánh giá lại quá trình sản xuất kinh doanh mặt mạnh mặt yếu, những tồn tại yếu kém chưa thành công và thành công, rút ra bài học để từ đó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.


Bài và ảnh: M.Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN