Sự việc Honda Việt Nam bị cơ quan hải quan ấn định truy thu hàng nghìn tỷ đồng thuế nhập khẩu linh kiện ô tô gây xôn xao dư luận mới đây, thực chất chỉ là “giọt nước tràn ly”. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu bộ linh kiện về lắp ráp như: Ford Việt Nam, Toyota Việt Nam, GM Daewoo, Vinamotor... từ lâu cũng “vướng” trong vấn đề này.
Lắp ráp xe COUNTY 25 chỗ tại nhà máy ô tô Đồng Vàng, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Anh Tôn-TTXVN |
Bộ Trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ mới đây cho rằng: Honda và các doanh nghiệp gặp vướng mắc trong việc nhập khẩu linh kiện không đảm bảo độ rời rạc chưa bị truy thu thuế. Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án xử lý.
Sửa đổi quy định cho phù hợp
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: Cơ quan này chưa có quyết định cuối cùng về việc ấn định hay truy thu thuế linh kiện nhập khẩu ô tô đối với trường hợp của Honda Việt Nam. Các cơ quan chức năng đang vào cuộc để xử lý trên cơ sở tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện hoạt động cho doanh nghiệp. Về lâu dài, các quy định chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế thì cân nhắc sửa đổi.
Thực tế là từ tháng 5/2010 đến nay, một số doanh nghiệp nhập khẩu bộ linh kiện ô tô đồng bộ hoặc không đồng bộ khai báo là nhập khẩu linh kiện để sản xuất, lắp ráp ô tô đảm bảo các điều kiện theo quy định để được phân loại, tính thuế nhập khẩu theo linh kiện. Tuy nhiên, qua kiểm tra sau thông quan, cơ quan hải quan phát hiện một số doanh nghiệp có những linh kiện không đảm bảo mức độ rời rạc theo quy định tại Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ, tức là không đáp ứng điều kiện để được phân loại và tính thuế theo linh kiện (ưu đãi thuế - PV). Do vậy, hải quan đã ra quyết định truy thu thuế theo mức thuế suất của ô tô nguyên chiếc.
Lắp ráp ô tô tại Nhà máy ô tô Trường Giang - Đông Phong ở Khu Công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Phía Bộ Tài chính cho rằng: Nguyên nhân của tình trạng trên là do DN không chú ý, chưa thật sự quan tâm đầu tư để đảm bảo mức độ rời rạc theo quy định nên đã phát sinh vướng mắc khi triển khai xác định độ rời rạc theo Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN để phân loại, tính thuế.
Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề nghị trước mắt, xử lý theo hướng linh kiện không đảm bảo mức độ rời rạc sẽ được tính thuế theo thuế suất của từng linh kiện nếu đảm bảo các điều kiện sau: Tỷ lệ nội địa hóa của một linh kiện để đảm bảo mức độ rời rạc do Bộ KHCN quy định theo quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô; tổng giá trị của các linh kiện nhập khẩu chưa đảm bảo mức độ rời rạc không vượt quá 10% tổng giá trị của các linh kiện để sản xuất, lắp ráp thành ô tô hoàn chỉnh (không phân biệt theo từng loại xe mà tính chung cho các loại xe của DN sản xuất, lắp ráp trong kỳ); linh kiện đó không bao gồm khung gầm, thân xe, thùng xe, ca bin (đối với xe tải).
Về lâu dài, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN theo nguyên tắc cập nhật được yêu cầu mới (sự thay đổi của công nghệ trong sản xuất, lắp ráp ô tô); sửa đổi Thông tư số 184/2010/TT-BTC theo nguyên tắc khuyến khích nội địa hóa…
Mới đây, Bộ Tài chính đã gửi các đơn vị chức năng để lấy ý kiến Dự thảo thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô. Theo đó, doanh nghiệp được hưởng thuế suất ưu đãi phải là các đơn vị sản xuất lắp ráp ô tô trong nước theo quy định của Bộ Công Thương và thực hiện việc nhập khẩu linh kiện trong thời gian từ 1/1/2006 đến nay.
Để được ưu đãi thuế, doanh nghiệp phải đáp ứng được 3 điều kiện, gồm: Tỷ lệ nội địa hóa của linh kiện đảm bảo mức độ rời rạc theo Quyết định 28/2004 ngày 1/10/2004 của Bộ KHCN; tổng giá trị của các linh kiện nhập khẩu chưa đảm bảo mức độ rời rạc không vượt quá 10% trên tổng giá trị của tất cả linh kiện phụ tùng cấu tạo nên một chiếc xe hoàn chỉnh (không phân biệt theo từng loại xe mà tính chung cho các loại xe của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong kỳ). Đồng thời linh kiện đó không bao gồm khung gầm, thân xe, thùng xe, ca bin (đối với xe tải).
Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đưa ra 2 phương án xử lý đối với các trường hợp nhập khẩu linh kiện phụ tùng. Phương án 1 giữ nguyên 3 điều kiện kể trên mà chỉ hướng dẫn rõ thêm những điểm mà doanh nghiệp cho là dễ gây hiểu lầm. Nếu áp dụng phương án này, doanh nghiệp và hải quan sẽ phải đợi tới khi Bộ KHCN có văn bản hướng dẫn.
Hải quan Hà Nội “giải trình”
Sau khi Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo việc hải quan đề nghị truy thu 3.340 tỷ đồng (tương đương 160 triệu USD) thuế nhập khẩu linh kiện ô tô đối với Công ty Honda Việt Nam, Cục thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan – TCHQ) đã có văn bản gửi Cục Hải quan Hà Nội phải báo cáo các vấn đề sau: Thời gian bắt đầu tiến hành kiểm tra Honda Việt Nam; nguyên nhân truy thu; số tiền thuế đã tính theo linh kiện; số tiền thuế dự kiến phải truy thu; thời gian truy thu 5 năm tính từ thời điểm nào…
Theo “giải trình” của Hải quan Hà Nội, trong 10 ngày làm việc vào trung tuần và cuối tháng 7/2011, cơ quan này đã tiến hành kiểm tra sau thông quan với việc nhập khẩu linh kiện phụ tùng ô tô của Công ty Honda Việt Nam. Thời hạn kiểm tra là những lô hàng mở tờ khai trong 5 năm, từ 3/7/2006 đến 3/7/2011. Qua kiểm tra, cơ quan nhận thấy cụm bánh xe và cụm ghế xe trong bộ linh kiện mà Honda Việt Nam nhập khẩu để lắp ráp các mẫu xe Civic và CR-V có độ rời rạc thấp hơn tiêu chuẩn tại Quyết định 05 của Bộ KHCN.
Với cách xác định của hải quan, Honda Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ bị áp thuế cao như nhập khẩu xe nguyên chiếc chứ không được hưởng ưu đãi nhập khẩu linh kiện rời rạc. Không đồng tình với kết luận này, ngày 15/8, Honda Việt Nam đã có văn bản “kêu cứu” tới Chính phủ Việt Nam đề nghị tháo gỡ khó khăn cho công ty trước khoản thuế có thể bị truy thu lên tới nhiều nghìn tỷ đồng.
MP-HA