Sáng 25/5, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị sơ kết giai đoạn I kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.
Theo số liệu báo cáo của các tỉnh, thành phố, tính đến cuối năm 2017, diện tích cây trồng có tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên cả nước đạt trên 276.000ha (tăng hơn 3 lần so với năm 2013), vượt 38% so với kế hoạch đặt ra.
Nhân rộng mô hình tưới tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng cho cây hồ tiêu. Ảnh: TTXVN |
Hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước có áp dụng tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Các vùng phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước gồm: Đông Nam bộ (117.000ha), Tây Nguyên (78.000ha), Đồng bằng sông Cửu Long (46.000ha), Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ (24.000ha).
8 tỉnh đứng đầu danh sách áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (diện tích áp dụng trên 10.000ha) theo thứ tự là: Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Gia Lai, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu.
Áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã mang lại hiệu quả rõ rệt và thiết thực về nhiều mặt. Tăng năng suất cây trồng từ 10-50% tùy theo loại cây trồng (thậm chí có thể tăng 80-120% như đối với cây mía); giảm đáng kể chi phí công lao động để tưới và chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20-50% và tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20-40%; giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do giảm lượng phân bón từ 5-30% trong quá trình canh tác.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy lợi, việc nhân ra diện rộng các mô hình tưới tiết kiệm nước còn chậm. Diện tích được tưới tuy vượt kế hoạch đặt ra nhưng vẫn còn thấp so với tiềm năng, lợi thế của các vùng, chỉ chiếm khoảng 5% diện tích canh tác cây trồng cạn của cả nước. Phát triển tưới tiết kiệm nước ở một số nơi còn chưa ổn định, thiếu bền vững.
Với mục tiêu đặt ra đạt 500.000ha cây trồng cạn chủ lực được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đến năm 2020, tại các đại biểu cho rằng, các địa phương cần chủ động quy hoạch các vùng chuyển đổi sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo ra giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.
Hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, chuỗi sản xuất ổn định có gắn với tưới tiết kiệm nước để thu hút, tạo niềm tin và động lực cho doanh nghiệp, người dân đầu tư áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.
Cùng với đó, đánh giá tiềm năng phát triển và đề xuất giải pháp mở rộng diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản và theo từng hệ thống công trình thủy lợi hiện có để nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi, sử dụng đất và thu nhập của người dân.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, để nhân rộng diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, cần đặt trong bối cảnh phải thay đổi tổng thể sản xuất nông nghiệp, đồng nghĩa với việc cần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nhiều nhóm giải pháp: tổ chức sản xuất, liên kết hợp tác xã, liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp.
Đặc biệt, với việc triển khai Nghị định 77 hướng dẫn Luật Thủy lợi, khuyến khích áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước và Nghị định 57 thay thế Nghị định 210 về các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, kỳ vọng sẽ góp phần đưa diện tích tưới tiên tiến tiết kiệm nước tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.