Hiện các địa phương đang huy động lực lượng xung kích và hỗ trợ phương tiện để giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, kịp thời sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022.
Đợt lũ lụt vừa qua đã khiến cho nhiều diện tích ruộng của người dân tại huyện Tuy Phước bị sa bồi thủy phá. Không chỉ ruộng bị ngập trong đất cát không thể sản xuất được mà các bờ thửa, kênh mương cũng bị nước lũ khoét thành những hố sâu không đảm bảo dòng chảy.
Nhằm giúp người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt, trong những ngày qua, gần 100 chiến sĩ là bộ đội, dân quân, công an và đoàn viên thanh niên huyện Tuy Phước đã ra quân hỗ trợ người dân nạo vét đất đá, cải tạo đồng ruộng, tu bổ kênh mương để kịp thời sản xuất vụ Đông Xuân.
Chị Nguyễn Thị Thuyết, thôn Tân Thuận, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) cho biết, gia đình chị có hơn 5.000 m2 ruộng bị sa bồi thủy phá rất nặng do nước lũ sông Kôn tràn vào và khó có khả năng khắc phục kịp thời để gieo sạ. Tuy nhiên, chỉ trong một ngày, các lực lượng địa phương đã giúp gia đình chị san gạt toàn bộ khối lượng đất cát trên ruộng.
Trung tá Võ Quang Lâm, Chính trị viên phó, Ban Chỉ huy quân sự huyện Tuy Phước cho biết, lực lượng tập trung hỗ trợ người dân ở các khu vực bị sa bồi thủy phá nặng nhất, sau đó sẽ tỏa đi các khu vực khác cho đến khi khắc phục xong.
Tại trị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn), lũ lụt đã khiến cho 9 ha ruộng bị sa bồi thủy phá; trong đó, có nhiều chân ruộng của người dân bị lớp đất cát vùi lấp dày đến nửa mét. Ngoài ra, hệ thống kênh mương cũng bị hư hỏng nặng với chiều dài hàng trăm mét. Người dân không thể dùng phương tiện thô sơ để khắc phục được.
Anh Trần Thanh Hưng, khối 1, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) cho biết, anh có hơn 1.000 m2 ruộng chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân thì đã bị lớp đất cát dày từ 0,3-0,5m vùi lấp trong đợt lũ lụt vừa qua. Để sản xuất được, anh phải tốn rất nhiều công sức và thời gian để khắc phục. Như vậy, sẽ không kịp sản xuất vụ Đông Xuân.
Theo ông Bùi Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn), ngay sau đợt lũ lụt vừa qua, nhận thấy người dân bị thiệt hại sa bồi thủy phá rất nặng nên chính quyền địa phương đã tiến hành khảo sát và huy động máy móc để nạo vét, san gạt đất cát trên ruộng và đắp lại bờ thửa để người dân có thể gieo sạ được. Hiện, có hai máy đào đang được huy động để giúp người dân.
Tại nhiều địa phương khác trong tỉnh Bình Định như: huyện Vĩnh Thạnh, huyện Phù Cát, thị xã An Nhơn, người dân có diện tích ruộng bị sa bồi thủy phá cũng đã được các lực lượng quân đội, công an, dân quân và đoàn viên thanh niên ra quân hỗ trợ khắc phục. Nhiều phương tiện máy móc được huy động đến những nơi bị thiệt hại nặng nhất để giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, đối với những diện tích không bị ảnh hưởng của lũ lụt, nông dân cần khẩn trương gieo sạ. Còn đối với những chân ruộng bị sa bồi thủy phá, sau khi khắc phục xong, người dân cần chọn những giống lúa ngắn ngày để đảm bảo đúng thời gian thu hoạch theo lịch thời vụ.