Giúp nhà nông tiêu thụ sản phẩm

Trong khi nhu cầu sử dụng nông sản an toàn của người dân rất lớn thì nhiều nông dân vẫn đang “loay hoay” tìm đầu ra cho nông sản vì nhiều người tiêu dùng đã mất lòng tin vào nông sản “trôi nổi”. Nông dân còn thường xuyên bị thương lái ép giá dẫn tới điệp khúc “được mùa mất giá” kéo dài trong nhiều năm.

Cơ hội đổi đời

Theo các nông dân ở Đồng Tháp, Tây Ninh và nhiều tỉnh khác trên cả nước, điệp khúc “được mùa mất giá” đã trở thành “bài ca” quen thuộc với người nông dân, nguyên nhân là do nguồn cung nông sản vượt cầu và do thói quen mua bán không qua hợp đồng tồn tại nhiều năm. Nhà nước cũng không thể can thiệp vào quá trình này.

Theo ông Nguyễn Hữu Triệu (phường 3, Tây Ninh), gia đình ông có 13 ha thanh long ruột đỏ. Năm nào điệp khúc được mùa mất giá, bị thương lái ép giá cũng diễn ra. 

Tương tự tại Đồng Tháp, nông dân Tống Văn Phong, Tổ trưởng Tổ hợp tác Quýt đường (xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) thừa nhận: “Vì không có ràng buộc rõ ràng nên thương lái có thể trả giá, ép giá người nông dân thường xuyên, đặc biệt khi vào mùa thu hoạch rộ. 

Liên kết với doanh nghiệp để sản xuất sạch là hướng đi mới của nông dân.

Đứng trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang tích cực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, giúp nông dân sản xuất sạch và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đi đầu trong xu hướng liên kết này là những tập đoàn lớn như: Vingroup, TH True milk, Hòa Phát, Vinamilk... mở ra cho người nông dân một cơ hội để đổi đời. Doanh nghiệp sẽ là đầu tàu, định hướng nông dân sản xuất, nâng cao sản lượng và hỗ trợ, liên kết để tiêu thụ. 

Ông Nguyễn Hữu Triệu (phường 3, Tây Ninh) cho biết: “Vừa qua, chúng tôi đã ký hợp đồng sơ bộ trồng thanh long cung cấp cho Công ty VinEco. Họ hứa sẽ bao tiêu sản phẩm và mua với giá cao hơn thị trường, nhưng chúng tôi phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo hướng dẫn của công ty”.

Ông Tống Văn Phong, vui mừng cho biết, Hợp tác xã Quyết đường vừa ký hợp tác với doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm, tạo điều kiện cho nông dân đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng nhiều hơn. Để ký được hợp tác với doanh nghiệp, nông dân phải tổ chức lại sản xuất, thường xuyên kiểm soát chất lượng đầu vào, thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu sử dụng các sản phẩm hữu cơ để đảm bảo nông sản sạch. 

Còn theo bà Vũ Tuyết Hằng, Tổng giám đốc của Công ty VinEco, bà con nông dân đa phần sở hữu các mảnh ruộng nhỏ nên việc đưa một lượng nông sản lớn ra thị trường thường xuyên, liên tục, đảm bảo an toàn là rất khó khăn. Ý thức của người nông dân về sản phẩm sạch cũng còn hạn chế. “Chúng tôi sẽ có nhiệm vụ kết nối, đưa sản phẩm của bà con nông dân ra thị trường. Chúng tôi có hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart + nên bà con nông dân có thể yên tâm đầu ra. Về kiểm soát chất lượng, chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con sản xuất để tạo ra sản phẩm sạch, đồng thời soát chất lượng thường xuyên, lấy mẫu kiểm tra, đảm bảo sản phẩm đưa ra là an toàn”, bà Hằng nói thêm.

Giám sát an toàn thực phẩm

Trong thời gian qua, nhiều người tiêu dùng đã “quay lưng” với các mặt hàng nông sản trong nước do quy trình sản xuất không đảm bảo yêu cầu. Do vậy, theo các chuyên gia, chỉ có liên kết sản xuất, có sự kiểm soát của doanh nghiệp theo các tiêu chuẩn an toàn mới mang lại diện mạo mới cho nông sản Việt. 

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: “Một số nông dân sản xuất không đảm bảo đã ảnh hưởng lớn tới cả nền nông nghiệp. Tôi sang Singapore cũng có xoài, dứa... nhưng đều nguồn gốc Thái Lan. Vậy vì sao chúng ta chưa vào được các thị trường này”.

“Doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt nông dân, dẫn dắt nền nông nghiệp bền vững vào hội nhập. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh

Theo bà Ánh, nguyên nhân là do hạn chế trong quản lý đầu vào, nông dân chưa nắm được thông tin về sản xuất an toàn. Do vậy, toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc, hướng đến sản xuất nông sản an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Hỗ trợ của doanh nghiệp sẽ là cơ sở để giúp người dân sản xuất an toàn, tiêu thụ sản phẩm. 

“Chúng tôi đang vận động nông dân cam kết nuôi trồng cây, con theo quy trình ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế kháng sinh... đảm bảo an toàn thực phẩm. Khuyến khích nông dân tham gia các mô hình hợp tác để nhận được hỗ trợ của doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối hợp các bộ ngành để giám sát và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới tính mạng của người dân, có thể xử lý hình sự”, bà Ánh nói thêm.

Trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã triển khai hàng loạt các giải pháp hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp, công khai thủ tục hành chính và điều chỉnh theo hướng đơn giản hơn. Đặc biệt, cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước đã được xây dựng thông qua nhóm thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn gồm 40 doanh nghiệp đầu tàu. Bộ đang xây dựng Chiến lược thu hút đầu tư vào nông lâm nghiệp, ngư nghiệp đến năm 2030.
Hữu Vinh
Liên kết để sản xuất nông sản sạch
Liên kết để sản xuất nông sản sạch

Trong khi nhu cầu sử dụng nông sản an toàn của người dân rất lớn thì nhiều nông dân vẫn đang “loay hoay” tìm đầu ra cho nông sản vì nhiều người tiêu dùng đã mất lòng tin vào nông sản “trôi nổi”. Nông dân còn thường xuyên bị thương lái ép giá dẫn tới điệp khúc “được mùa mất giá” kéo dài trong nhiều năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN