Giữa vùng dịch, nhiều hộ dân vẫn nuôi được đàn lợn khỏe mạnh

Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, lan rộng khắp nơi trên địa bàn tỉnh miền núi Bắc Kạn, gây thiệt hại nặng cho những hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ. Mặc dù vậy, giữa vùng bệnh dịch ấy, không ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chăn nuôi, bảo vệ được đàn lợn khỏe mạnh.

Chú thích ảnh
Người dân xã Trần Phú, huyện Na Rì (Bắc Kạn) rắc vôi khử trùng ổ dịch. Ảnh: TTXVN phát

Chị Nguyễn Thị Lam (Trưởng thôn Nà Lầu, xã Tân Tú, huyện Bạch Thông) cho biết, từ tháng 4, tháng 5 vừa qua, trên địa bàn xã Tân Tú xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Thôn Nà Lầu có tất cả 25 hộ dân chăn nuôi lợn. Do bị dịch tả lợn châu Phi, đến nay thôn đã phải tiêu hủy khoảng 1,4 tấn lợn và chỉ còn 5 hộ dân còn lợn nuôi; trong đó có 3 hộ dân nuôi 27 con lợn được tiêm vaccine phòng bệnh thì vẫn an toàn.

Ở thôn Nà Lâu, xung quanh nhà chị Lam, hầu như các nhà đều có lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy nhưng đàn lợn thịt 11 con của gia đình chị Lam vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, không bị dịch tả lợn châu Phi. Chị Lam tiết lộ "bí quyết", từ khi dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện trên địa bàn, gia đình chị đã tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn lợn. Ngay sau khi mua lợn giống về, gia đình chị tiến hành tiêm lần lượt ba loại vaccine cho đàn lợn; trong đó có vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi Navetco, loại 1 lọ 10 liều. 

Cùng với tiêm phòng đầy đủ, gia đình chị Lam còn chủ động vệ sinh chuồng lợn. Cứ hai ngày một lần gia đình chị lại phun khử trùng tiêu độc với lần lượt ba loại và rắc vôi bột nền chuồng lợn, hạn chế tối đa người lạ ra, vào khu vực chuồng nuôi, tuân thủ thực hiện 5 không trong quá trình chăn nuôi: “không dấu dịch; không mua bán, không vận chuyển lợn bệnh chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt cho lợn ăn".

Chị Lam cho rằng, muốn chăn nuôi lợn thành công ngoài vấn đề chọn giống, thức ăn, phải chủ động thực hiện tiêm phòng đẩy đủ các loại vắc xin cho đàn lợn và thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, phun thuốc khử trùng tiêu độc.

Anh Hà Văn Mạn ở Thôn Lủng Coóc (xã Quân Hà, huyện Bạch Thông) chia sẻ, gia đình có thâm niên 20 năm chăn nuôi lợn. Đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2018 - 2019 xảy ra trên địa bàn, gia đình phải tiêu hủy hơn chục tấn lợn mắc bệnh dịch này. Một năm sau, gia đình tái đàn. Đến nay, gia đình đang chăn nuôi đàn lợn khoảng 100 con; trong đó có 15 con lợn nái và lợn đực giống, còn lại là lợn thịt và lợn con. Thời điểm tháng 4, tháng 5 vừa qua, trên địa bàn thôn Lủng Coóc xảy ra dịch tả lợn châu Phi, các hộ dân xung quanh nhà anh Mạn đều có lợn mắc bệnh dịch này, phải tiêu hủy khá nhiều. Đàn lợn nhà anh cũng bị ảnh hưởng nhưng với tỷ lệ rất nhỏ, chỉ một lợn nái và ba lợn thịt bị nhiễm bệnh dịch này. 

Do dịch tả lợn châu Phi đã từng gây thiệt hại lớn đối với gia đình nên anh Mạn xác định đây là dịch bệnh nguy hiểm. Trong quá trình chăn nuôi lợn, anh luôn chủ động thực hiện biện pháp vệ sinh chuồng nuôi, phun thuốc khử trùng tiêu độc, nhất là chủ động tiêm phòng vaccine cho đàn lợn ngay từ khi mới mua giống về và lợn con từ lợn mẹ đẻ ra; trong đó vaccine dịch tả lợn châu Phi được tiêm phòng đầy đủ.

Hiện nay, để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, anh Mạn thường xuyên rắc vôi bột lên toàn bộ phần nền chuồng nuôi lợn. Mỗi ngày một lần, gia đình lại phun thuốc khử trùng, không cho người lạ ra, vào khu chuồng chăn nuôi; đồng thời nghiêm túc thực hiện "5 không" trong quá trình chăn nuôi lợn. Nhờ vậy, đến nay, đàn lợn của gia đình vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, không bị "dính" dịch tả lợn châu Phi.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Huân cho biết, trong vùng dịch tả lợn châu Phi có những đàn lợn vẫn an toàn trong khi xung quanh gần như bị thiệt hại tổng đàn. Đó là nhờ các hộ dân này đã chấp hành việc tiêm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi. 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã lan ra trên 3.100 hộ dân, ở gần 620 thôn, của 98/108 xã, thuộc 8 huyện, thành phố, làm gần 15.000 con lợn chết, tiêu hủy với khối lượng trên 572 tấn lợn. Đến nay đã có 12 xã qua 21 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh dịch, 7 xã đã công bố hết dịch, có 6 xã mắc dịch lại lần 2...

Nguyên nhân dẫn đến bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Bắc Kạn diễn biến phức tạp, lan nhanh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ rõ, do điều kiện chuồng trại chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh; hầu hết người chăn nuôi chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học, tỷ lệ tiêm phòng còn rất thấp...

Để bảo vệ đàn vật nuôi hiện có, không để dịch tiếp tục lây lan, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Kạn sớm ban hành kế hoạch khẩn cấp tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi năm 2024.

Sơn Hải (TTXVN)
Ngăn dịch tả lợn châu Phi, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi
Ngăn dịch tả lợn châu Phi, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi

Dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát mạnh và đang có chiều hướng lan rộng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Chính quyền, cơ quan chức năng địa phương đã thực hiện đồng bộ các biện pháp cấp bách để ngăn chặn dịch bệnh này, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN