Giới trẻ bắt nhịp nhanh với xu thế ngân hàng số

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu thế tất yếu, đặc biệt giới trẻ Việt ngày càng bắt nhịp nhanh chóng với công nghệ hiện đại, tạo cơ hội cho ngành Ngân hàng trong việc cung cấp các dịch vụ thanh toán hiện đại.

Chú thích ảnh
Giới trẻ yêu thích công nghệ, số hóa ngân hàng.

“Cú hích” thúc đẩy các ngân hàng chuyển đổi số mạnh mẽ 

Hiện, số lượng thẻ lưu hành tại Việt Nam đạt hơn 140 triệu thẻ, trong đó gần 10,8 triệu thẻ mở bằng phương thức định danh khách hàng điện tử (eKYC). Nhiều ngân hàng triển khai mở thẻ tiêu được ngay bằng thẻ phi vật lý, thuận tiện cho người dùng. 

Nếu so mốc 8 tháng của năm ngoái, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong 8 tháng năm nay đã tăng 49,71%; giao dịch qua kênh Internet tăng tăng 62,25% về số lượng và 5,65% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 61,43% và 9,46%; qua phương thức QR code (mã phản hồi nhanh) tăng 112,71% và 11,18%; qua POS tăng 23,24% và 23,45%; giao dịch qua thẻ tăng 15,48% và 23,41%.  

Đồng hành tại "Sóng Fesival 2023" với sự tham gia của 25 ngân hàng thương mại (NHTM), tổ chức tài chính, tổ chức thẻ quốc tế và hơn 100 gian hàng cung cấp sản phẩm, diễn ra từ ngày 6 - 8/10 tại Hà Nội, đại diện ABBank cho biết: Trong chuỗi Chương trình “Ngày thẻ Việt Nam”, ngân hàng đã mang đến những trải nghiệm thanh toán hiện đại trên ngân hàng số AB Ditizen.

Phía ngân hàng kỳ vọng dịp này, ABBank sẽ có thêm hàng nghìn tài khoản được mở mới. Ví dụ năm ngoái, số lượng tài khoản mở mới đã tăng gấp hơn 12 lần, đạt hơn 6.000 tài khoản sau khi kết thúc sự kiện Ngày hội thẻ năm 2022. “Với mỗi tài khoản thanh toán mở mới trên ứng dụng AB Ditizen qua luồng eKYC, khách hàng sẽ nhận được 50.000 đồng trong tài khoản - khi thực hiện thành công giao dịch lần đầu tiên thanh toán hóa đơn' hoặc mua thẻ/nạp tiền điện thoại với số tiền tối thiểu từ 100.000 đồng”, đại diện ABBank cho biết. 

Chú thích ảnh
Việc sử dụng ngân hàng số trong mua sắm và thanh toán hiện không còn xa lạ với người dân.

Bà Phan Thị Thanh Hà, quyền Giám đốc Trung tâm thẻ - Agribank cho biết: Agribank luôn tích cực phát triển các sản phẩm dịch vụ, chức năng tiện ích mới trong thanh toán sử dụng công nghệ hiện đại  như: mở tài khoản trực tuyến eKYC, thẻ phi vật lý, thẻ chip không tiếp xúc, mã PIN điện tử ePIN, thanh toán vé xe buýt VinBus, chuyển tiền liên ngân hàng, rút tiền tại ATM bằng mã VietQR...

Với nhu cầu ngày càng tăng về bảo mật và bảo vệ chống đánh cắp thông tin, một số biện pháp thực hiện để bảo vệ người dùng, đại diện Vietcombank cho biết: Bước tiến ấn tượng nhất là sự ra đời của thẻ thanh toán dựa trên chip contactless cùng nhiều tiện ích khác cho phép thẻ chip contactless vượt trội hơn so với thẻ sử dụng dải băng từ.

Lợi ích của thẻ contactless - giúp người dùng có thể thanh toán nhanh hơn chỉ với một chạm, tiết kiệm thời gian chờ khi xếp hàng thanh toán, đối với giao dịch giá trị nhỏ, khách hàng không cần nhập mã PIN để thanh toán.

“Dễ dàng liên kết với ứng dụng di động (Apple PayGoogle Pay, Samsungpay): Liên kết được ngay với các ứng dụng thanh toán phổ biến nhất trên thế giới như Apple Pay, Google Pay, Samsung Pay. Nói lời tạm biệt với những chiếc ví cồng kềnh. Chỉ cần những chiếc điện thoại thông minh hỗ trợ NFC là có thể đi khắp nơi không cần ví”, đại diện Vietcombank cho biết. 

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN, thời gian qua, ngoài quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN đã phối hợp với các NHTM, khảo sát thực tiễn để ban hành 2 Thông tư về thanh toán và tín dụng.

Trong đó, Thông tư cho phép ngân hàng được cấp bảo lãnh điện tử (không chỉ có bảo lãnh giấy thông thường); cùng đó vào đầu tháng 9/2023, cho phép ngân hàng cho vay điện tử phục vụ sản xuất, tiêu dùng với giá trị tối đa 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, quy định mới cũng cho phép ngân hàng giải ngân khoản vay vào tài khoản thanh toán của người vay, không yêu cầu bắt buộc phải giải ngân vào tài khoản của bên cung cấp hàng hoá, dịch vụ. 

Còn nhiều dư địa phát triển ngân hàng số

Theo ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), thói quen của người dân cũng dần thay đổi đối với sự phát triển của các phương thức thanh toán. Xu hướng này thể hiện rõ qua tỷ lệ qua giao dịch rút tiền mặt liên tục giảm trong những năm qua. 

“Trong tháng 8/2023, giao dịch rút tiền mặt tiếp tục giảm 15% về số lượng và 19% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số đáng lưu ý, cho thấy thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã thay đổi. Dự báo từ nay đến cuối năm, giao dịch trên ATM (máy rút tiền tự động )sẽ còn giảm nhanh hơn nữa”, ông Nguyễn Quang Minh nhận định.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết: Khách hàng trẻ đang là đối tượng quan trọng trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Hiện, nhóm khách trẻ chiếm hơn 50% tập khách hàng trung cấp của Vietcombank.

“Giới trẻ luôn yêu thích và sẵn sàng đón nhận sự thay đổi, có hứng thú với công nghệ số, mong muốn khẳng định phong cách cá nhân và sự độc lập của mình. Do đó, Vietcombank chú trọng vào việc phát triển sản phẩm dịch vụ đa dạng để đáp ứng những nhu cầu riêng của nhóm này trên tất cả các kênh, đặc biệt kênh số; phát triển thẻ phi vật lý, sử dụng thanh toán tích hợp vào điện thoại di động, phát hành thẻ trong vài giây. Đồng thời, các sản phẩm này còn hỗ trợ người trẻ trong việc quản lý tài chính cá nhân, lập kế hoạch tương lai, tạo bước khởi đầu vững chắc trong cuộc sống, sự nghiệp”, bà Nguyễn Thị Kim Oanh chia sẻ.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định: Việt Nam còn có rất nhiều dư địa phát triển TTKDTM nói chung. Hiện nay, vẫn còn 10 - 11%, trong khi Chính phủ yêu cầu dưới 10%. Đây là chỉ tiêu quan trọng phấn đấu trong thời gian tới. Theo số liệu, năm 2022, thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch cá nhân của Việt Nam vẫn chiếm đến 47%, tương đương Indonesia. Rõ ràng, còn nhiều dư địa để giảm thanh toán bằng tiền mặt xuống bằng Malaysia, Ấn Độ (30%).

“Năm nay có 3 Luật quan trọng là: Luật Đất Đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua đều được chúng tôi tư vấn TTKDTM trong các giao dịch khi 3 luật này thực thi”, chuyên gia Cấn Văn Lực tiết lộ. Cũng theo chuyên gia này, TTKDTM có thể là phương án giúp cho công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Các tổ chức tín dụng đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng số
Các tổ chức tín dụng đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng số

Nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đang đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số, cho vay trên nền tảng công nghệ, nên việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng Quốc gia đầy đủ, chính xác trên nền tảng công nghệ hiện đại có ý nghĩa quan trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN