Giới thiệu dự án cải thiện môi trường định cư vùng bờ Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Chương trình Nhân cư Liên hợp quốc (UN-Habitar) tổ chức Hội thảo “Triển khai xây dựng quy hoạch biển và giới thiệu dự án về cải thiện điều kiện môi trường định cư con người và hệ sinh thái vùng bờ tại Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết: Thế kỷ XXI - “Thế kỷ của đại dương”, biển và hải đảo đang trở nên quan trọng hơn đối với mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng dân số, nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo trên đất liền dần cạn kiệt. Các nước có biển đã và đang ngày càng vươn xa ra biển, khai thác các nguồn tài nguyên từ biển, làm giàu từ biển, kiểm soát biển.

Chú thích ảnh
Triển khai xây dựng quy hoạch biển và giới thiệu dự án về cải thiện điều kiện môi trường định cư con người và hệ sinh thái vùng bờ tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa: TTXVN

Việt Nam là quốc gia ven bờ Biển Đông với diện tích biển rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền, chiếm khoảng 29% diện tích Biển Đông, bao gồm các vùng biển nằm trong phạm vi 200 hải lý, thềm lục địa và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đường bờ biển nước ta kéo dài trên 3.200 km (không kể bờ các đảo) với khoảng 2.700 đảo ven bờ phân bố thành các tuyến và là những “điểm tựa” chính yếu đối với phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh biển.

Biển, đảo đã gắn bó từ bao đời nay với mỗi người dân ven biển và trên các hải đảo Việt Nam, cả trong đời sống văn hóa, hoạt động sản xuất và trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Biển, đảo có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển chung của đất nước cả về kinh tế, địa chính trị và các vấn đề quốc phòng - an ninh.

Hiện nay, phát triển kinh tế biển chưa thực sự gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Các lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới từ biển chưa được phát huy đầy đủ. Việc thực hiện chủ trương phát triển một số ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Đặc biệt, sự liên kết giữa các vùng biển, ven biển với vùng nội địa, địa phương có biển với địa phương không có biển và giữa các ngành, lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả.

Ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi còn diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách, các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều bất cập, hạn chế.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã họp, thảo luận và ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Giải pháp “hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển” là một trong 7 giải pháp chủ yếu để thực hiện Nghị quyết.

Cụ thể là: “rà soát, bổ sung và xây dựng mới đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Khẩn trương xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ”.

Thực hiện Luật Quy hoạch, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực triển khai xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của cả nước.

Các đại biểu tại Hội thảo đã tập trung thảo luận về các vấn đề: Nội dung, cách tiếp cận xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của cả nước; dự án cải thiện điều kiện môi trường định cư con người và hệ sinh thái vùng bờ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hoàng Nam (TTXVN)
Quản lý, bảo tồn trong phát triển bền vững tài nguyên và môi trường vùng bờ
Quản lý, bảo tồn trong phát triển bền vững tài nguyên và môi trường vùng bờ

Ngày 18/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Quản lý, bảo tồn trong phát triển bền vững tài nguyên và môi trường vùng bờ”, với sự tham dự của các nhà khoa học chuyên ngành, đại diện Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và giáo viên, sinh viên của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN