Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, sầu riêng địa phương đạt năng suất bình quân từ 20 - 25 tấn/ha. Do vậy, nếu thu hoạch đúng thời điểm “sốt giá” này, nông dân thu trên 2 tỷ đồng/ha và lãi ròng từ 1 đến 1,5 tỷ đồng/ha, cao nhất so với các loại cây ăn quả đặc sản tại địa phương.
Mặc dù sầu riêng có giá cao nhưng vào thời điểm này, các khu vườn Tiền Giang đang vào vụ nghịch, sản lượng không nhiều, nguồn cung còn rất hạn chế. Do vậy, thương lái tỏa đi lùng sục khắp các xóm ấp tìm nguồn hàng thu mua, tạo ra quang cảnh hết sức náo nhiệt, tấp nập ở làng quê vùng chuyên canh trong những ngày giáp Tết.
Ông Lê Minh Trí, nông dân trồng sầu riêng ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy lý giải, thường vụ nghịch có hai đợt thu hoạch tập trung. Đợt 1 rộ vào tháng 10, tháng 11 âm lịch. Đợt 2 phải sau Tết mới có thu hoạch. Còn thời gian giáp Tết âm lịch, sầu riêng thu hoạch rất ít. Do vậy, nguồn cung trong những ngày này hạn chế. Giá tuy rất cao nhưng không phải nhà vườn nào cũng có sản lượng để bán ra trong đợt này.
Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) Huỳnh Tấn Lộc đánh giá, giá sầu riêng giáp Tết tăng mạnh bởi nguồn cung thiếu trong khi nhu cầu thị trường lớn. Hơn nữa, việc xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đang khai thông được đánh giá là yếu tố thời sự quan trọng góp thêm nguyên nhân đưa giá sầu riêng “sốt cao”. Hiện tại, các khu vườn sầu riêng của thành viên hợp tác xã phải sau Tết mới có thu hoạch.
Ông Huỳnh Tấn Lộc dự báo thêm, giá sầu riêng tại địa phương ít nhất sẽ duy trì được giá cao như hiện nay suốt niên vụ 2023. Cho nên, nhà vườn an tâm tích cực đầu tư, thâm canh, chăm sóc nhằm nâng cao hiệu quả cây trồng kinh tế bậc nhất hiện nay ở Tiền Giang.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang chia sẻ, sầu riêng Việt Nam được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cùng với thị trường tiêu thụ trái cây nói chung và thị trường xuất khẩu nói riêng đang rộng mở là một trong những nguyên nhân giúp giá sầu riêng tăng mạnh thời điểm trái cây này đang vào vụ nghịch.
Nắm bắt thời cơ sầu riêng “sốt giá”, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân vùng chuyên canh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khẩn trương phối hợp với chính quyền các địa phương tập huấn thủ tục lập hồ sơ xuất khẩu chính ngạch cho các doanh nghiệp và hợp tác xã; đăng ký và thẩm định, cấp mã số vùng trồng cho vùng chuyên canh, phấn đấu đến cuối năm nay có khoảng 50% diện tích được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng.
Mặt khác, tỉnh cũng đang triển khai Dự án xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang năm 2022 - 2023. Địa bàn triển khai tại 4 huyện, thị chuyên canh sầu riêng trọng điểm bao gồm: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành và Thị xã Cai Lậy trong nỗ lực phát triển bền vững vùng chuyên canh sầu riêng đặc sản hướng đến xuất khẩu. Từ đó, động viên nông dân phát huy tiềm năng đất đai, lao động, tập trung chăm sóc, thâm canh sầu riêng đạt năng suất, chất lượng tốt, tăng sức cạnh tranh của nguồn nông sản hàng hóa giá trị cao.