“Cục máu đông” của thị trường bất động sản (BĐS) chưa tan, nợ xấu vẫn đang hoành hành đã ảnh hưởng rất xấu đến hệ thống nền kinh tế. Trước tình thế cấp bách này, ngành tài chính và ngân hàng đang dốc sức đưa ra các giải pháp thiết thực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) BĐS.
Ngân hàng “bắt tay” DN để kích cầu
Thời gian qua, rất nhiều ngân hàng đã công bố hợp tác với các chủ đầu tư dự án nhà ở để tung ra các gói lãi suất ưu đãi cho khách hàng nhằm gia tăng sức mua.
Mới đây, Ngân hàng Công Thương Việt Nam chi nhánh Hà Nội (VietinBank Hà Nội) đã ký hợp đồng liên kết với Công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp nhằm đem lại những lợi ích tối ưu cho khách hàng khi vay mua nhà tại dự án NO4 khu đô thị Đông Nam. Cụ thể: Vietinbank cam kết tạo điều kiện hỗ trợ mức lãi suất vay vốn ưu đãi 12%/năm trong tối đa 12 tháng. Đồng thời, các khoản vay trong chương trình ưu đãi có thời hạn dài, tối đa lên tới 15 năm, mức cho vay tối đa đáp ứng 70% nhu cầu vốn của khách hàng… Ngoài ra, VietinBank cũng đang thực hiện chương trình cho vay mua nhà ở “5.000 tỷ đồng chung tay xây nhà mơ ước” với lãi suất vay 12%/năm dành cho các khách hàng.
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (VPBank Hồ Chí Minh) và Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (Công ty Nam Long) vừa ký thỏa thuận hợp tác. Theo đó, VPBank sẽ cấp vốn 300 tỷ đồng cho dự án khu dân cư EHome 4 Bắc Sài Gòn và cùng Nam Long triển khai các chương trình ưu đãi dành cho khách hàng hai bên. VPBank sẽ áp dụng mức lãi suất ưu đãi 9,99%/năm trong 3 tháng đầu tiên đối với khách hàng vay mua dự án trên.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN BĐS, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà cho rằng: Cần phải tập trung vào phân khúc nhà giá rẻ, nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không nên giới hạn room đối với lĩnh vực này, thay vào đó là cho vay rộng rãi hơn đối với BĐS. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương phải dùng ngân sách để mua khoảng 30% quỹ nhà ở xã hội tại địa phương đó để cấp cho các đối tượng chính sách, khó khăn.
“Cứu cánh” bằng công cụ thuế
Theo Bộ Tài chính, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Dự án Luật) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2013.
Đặc biệt, để giải cứu các DN BĐS, Bộ Tài chính đã bổ sung quy định ưu đãi thuế đối với một số lĩnh vực như: DN thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% đối với thu nhập từ hoạt động này, bổ sung quy định cho phép DN sau khi bù trừ lãi lỗ giữa thu nhập từ chuyển nhượng BĐS với nhau mà vẫn còn lỗ thì số lỗ đó DN được bù trừ với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) trong kỳ tính thuế. Theo Bộ Tài chính, quy định này rất linh động cho các DN BĐS khi rơi vào tình trạng thị trường BĐS có diễn biến xấu.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác đặc biệt nghiên cứu để đề xuất Chính phủ và Quốc hội phê duyệt theo thẩm quyền về những giải pháp tài chính để hỗ trợ thị trường, kích thích tăng trưởng, qua đó giải quyết tồn kho và nợ xấu cho lĩnh vực BĐS. “Hiện kịch bản giải cứu cho nền kinh tế, cho BĐS chúng tôi đã có trong tay rồi. BĐS sẽ được cứu bằng giải pháp tài chính”, Bộ trưởng Huệ nói.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Tài chính, muốn phá băng thị trường BĐS thì trước hết phải làm cho thị trường ấm lên. Phá băng BĐS phải bằng một giải pháp tổng thể như minh bạch từ giá bán, tạo niềm tin để giúp thị trường hồi phục. Theo Bộ trưởng, việc này tuy khó nhưng cách làm có thể là kích thích ấm từng phân khúc, từng khu vực của thị trường. Bộ Tài chính cũng đã nghiên cứu trình Chính phủ cho giãn thuế giá trị gia tăng của tháng 1, 2, 3 của năm 2013 trong vòng 6 tháng đối với hoạt động kinh doanh BĐS. Ngoài ra, việc tăng cường năng lực cho công ty mua bán nợ cũng được chú trọng, nhằm giải quyết nợ đọng trong ngân hàng, giải quyết tốt bài toán thanh khoản của kinh tế.
Minh Phương