Theo đó, từ ngày 1/7, mức thu lệ phí trước bạ đối với các loại ô tô, rơ-mooc, sơmi rơ-mooc và các loại xe tương tự ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ giảm 50%. Chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp kích cầu thị trường tiêu thụ ô tô và các doanh nghiệp sản xuất tháo gỡ khó khăn trong nửa cuối năm.
Đang có nhu cầu mở rộng kinh doanh, ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc một công ty xây dựng muốn mua thêm 1-2 chiếc xe ô tô để phục vụ công việc. Với việc giảm 50% phí trước bạ có hiệu lực, thì mẫu xe dự tính mua, công ty ông đã tiết kiệm được hơn 30 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Triệu, cho biết, với những khó khăn về kinh tế như hiện nay thì việc được Nhà nước hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cũng là một khoản giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tiền bù đắp vào chi phí hoạt động.
Là chủ một showroom ô tô, bà Phạm Thị Thế, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Toàn Thắng, Đại lý Huyndai Hải Dương cho biết, mấy tuần trở lại đây khách đến xem và đặt cọc xe tăng từ 20-25% so với thời điểm trước.
“Thông tin giảm phí trước bạ thực sự đã tác động tích cực đến tâm lý khách hàng. Chính sách này đã được rất nhiều khách hàng quan tâm, ví dụ trong tháng 6 vừa qua, gần 25 ngày chỉ có 30 hợp đồng được ký kết, thì trong những ngày tháng 7 này, khách hàng đến thăm quan ký hợp đồng đã tăng lên khoảng 20-30 xe”, bà Phạm Thị Thế cho biết.
Còn với doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước, chính sách giãn thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm phí trước bạ sẽ tạo thêm dư địa để đưa ra các chương trình kích cầu tiêu dùng, giảm giá để hỗ trợ người mua xe ô tô.
Theo bà Hoàng Thị Thanh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Ford Việt Nam, việc ban hành chính sách này đã giúp doanh nghiệp giảm áp lực về tài chính, tạo ra dòng tiền lưu chuyển để có thể hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, góp phần làm cho nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm của doanh nghiệp được cải thiện.
Đây là lần thứ 3 trong vòng 3 năm trở lại đây, chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước được Chính phủ ban hành.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), mặc dù có sự cải thiện đáng kể nguồn cung nhưng tình hình ngành công nghiệp ô tô trong quý I/2023 còn vẫn gặp nhiều khó khăn, doanh số bán hàng có sự suy giảm, cho thấy những tín hiệu bất thường và đáng ngại đối với doanh nghiệp trong ngành ô tô Việt Nam.
Doanh số bán hàng trong 2 tháng cuối năm 2022 giảm mạnh và đặc biệt doanh số bán hàng tháng 1/2023 sụt giảm tới 44% so với cùng kỳ năm trước và giảm 51% so với tháng trước liền kề. Tổng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA cho đến hết tháng 5/2023 giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết để góp phần kích thích tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức
Theo ước tính của Bộ Tài chính, việc áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong nửa cuối năm nay có thể làm giảm thu ngân sách từ 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi nhu cầu mua tăng cao, nguồn thuế thu được cũng được kỳ vọng sẽ tăng lên. Ước tính năm nay, tổng số thuế được gia hạn khoảng 11.000 tỷ đồng, góp phần giúp doanh nghiệp khắc phục cơn khát vốn hiện tại.
Ông Bùi Đức Thanh, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hải Dương cho biết, khi áp dụng chính sách này thì nguồn thu của Cục Thuế tỉnh sẽ giảm khoảng 100 tỷ đồng, nhưng tỉnh cũng chủ động khai thác các nguồn thu từ việc kích cầu tiêu dùng.
Theo ông Vũ Huy Khuê, Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hải Phòng, Cục Thuế tỉnh cũng ước tính sẽ giảm lệ phí trước bạ khoảng 200 tỷ đồng. “Nhưng chúng tôi hy vọng việc áp dụng chính sách này sẽ góp phần hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp, người dân, từ đó kích cầu tiêu dùng”, ông Vũ Huy Khuê nói.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, theo kinh nghiệm của những năm trước, do bán được nhiều hơn lượng ô tô ra thị trường, nên mức thu ngân sách sẽ tăng lên khoảng 12.000 - 15.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng cho hay, để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế. Đồng thời, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; quyết liệt quản lý thu ngân sách nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.