Trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong đầu tư xây dựng diễn ra tại Hà Nội vào ngày 14/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ, nhiều TTHC còn rườm rà, gây mất thời gian, làm phát sinh tình trạng “nhũng nhiễu” và khiến chi phí gia tăng nên hiệu quả kinh tế thấp, sức cạnh tranh giảm sút. Trong điều kiện hội nhập kinh tế, năng lực cạnh tranh là căn cứ rất quan trọng, trong đó cải cách hành chính là những giá trị rất lớn.
Thủ tục nhiều, thời gian kéo dài
Thực hiện Nghị định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính, Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 05/03/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch rà soát quy định, thủ tục hành chính trọng tâm năm 2012, thời gian qua Bộ Xây dựng đã tích cực rà soát, công bố TTHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của mình. Bộ đã đề xuất bãi bỏ các TTHC không cần thiết và sửa đổi, bổ sung các TTHC cho phù hợp với yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển, trong đó đặc biệt chú trọng các TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận buổi làm việc. Ảnh: Đức Tám - TTXVN |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, một trong những TTHC liên quan trực tiếp, tác động nhiều đến doanh nghiệp, người dân và thuộc trách nhiệm giải quyết của nhiều Bộ ngành, địa phương là nhóm thủ tục về dự án đầu tư xây dựng. Đối với dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thông thường vẫn phải thực hiện khoảng 15 TTHC. Chưa tính thời gian chuẩn bị và chỉnh sửa hồ sơ của cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư thì tổng thời gian thực hiện các thủ tục hành chính khoảng từ 260 ngày làm việc (dự án nhóm C) đến 280 ngày làm việc (dự án nhóm A) để khởi công được công trình. Trường hợp nếu đã có Quy hoạch chi tiết được phê duyệt thì tổng số thời gian trên có thể rút ngắn được 75 ngày. Thời gian nêu trên chưa tính tới công tác giải phóng mặt bằng (thường thực hiện theo tiến độ dự án) và quyết toán vốn đầu tư (chỉ có quy định về thời hạn hoàn thành quyết toán).
Trong nhóm các TTHC này, có 3 thủ tục thuộc chuyên ngành Kế hoạch và Đầu tư với thời gian giải quyết từ 80 – 100 ngày tùy nhóm dự án. Cơ quan chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường cũng có 3 thủ tục với 80 ngày giải quyết (chưa tính giải phóng mặt bằng). Chuyên ngành Xây dựng (kể cả quy hoạch và quản lý xây dựng chuyên ngành khác) có 3 thủ tục với thời gian giải quyết từ 60 – 85 ngày tùy theo nhóm dự án, loại công trình và đối với những dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500. Nếu dự án chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 thì phải mất thêm 4 thủ tục nữa với thời hạn giải quyết từ 120 – 190 ngày. Mặc dù chỉ có 1 thủ tục thuộc cơ quan chuyên ngành Tài chính nhưng lại là phần kéo dài nhất, từ 6 – 12 tháng tùy theo nhóm dự án. Đó là chưa kể còn một số TTHC thuộc trách nhiệm thực hiện của các cơ quan liên quan khác như Phòng cháy chữa cháy, Thuế, đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật...
Đối với các dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước cũng phải thực hiện khoảng 19 TTHC hoặc nhóm TTHC. Chưa tính thời gian chuẩn bị và chỉnh sửa hồ sơ của nhà đầu tư thì tổng thời gian thực hiện các TTHC kể cả công tác giải phóng mặt bằng khoảng từ 392 ngày làm việc (dự án nhóm C) đến 447 ngày làm việc (dự án nhóm A) để khởi công được công trình, trong đó đã giảm trừ thời gian khi kết hợp thực hiện đồng thời các thủ tục như: thủ tục liên quan đến sử dụng đất và thủ tục thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, thẩm duyệt thiết kế PCCC. Trường hợp nếu đã có Quy hoạch chi tiết được phê duyệt thì tổng số thời gian trên có thể rút ngắn được 75 ngày.
Giảm nhưng không thả lỏng
Đây cũng chính là quan điểm nhận được sự đồng thuận của nhiều Bộ ngành tham gia buổi làm việc này.
Các thủ tục như: thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thẩm tra thiết kế xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng cũng có nhiều đổi mới theo hướng đơn giản hóa nhưng vẫn đảm bảo giám sát chặt chẽ, phân quyền và định trách nhiệm một cách cụ thể. Đặc biệt, thủ tục cấp giấy phép xây dựng (GPXD) được cải thiện đáng kể nhằm đẩy mạnh công tác CPXD, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Hồ sơ cấp GPXD được quy định cụ thể cho từng loại công trình theo hướng đơn giản và dễ thực hiện với quy định thực hiện một của liên thông và thời gian cấp không vượt quá 20 ngày đối với công trình xây dựng, 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ. Các quy định về cấp GPXD đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới về bộ 11 chỉ số đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh tại Việt Nam, trong năm 2013 chỉ số về giải quyết thủ tục cấp giấy phép xây dựng đạt thứ hạng cao nhất trong 11 chỉ số, xếp thứ 28/185 quốc gia, tăng 39 bậc so với năm 2012 (67/183) và là 01 trong 02 chỉ số có mức tăng thứ hạng so với 2012 (09 chỉ số còn lại đều giảm thứ hạng).
Hiện nay, việc lập - thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng còn chậm (mới đạt tỷ lệ 30%), chưa đáp ứng tốc độ đầu tư xây dựng. Do đó, để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thể triển khai nhanh dự án, không phải chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch mới lập dự án, Luật Quy hoạch đô thị đã quy định việc cấp giấy phép quy hoạch và Nghị định 37/2010/NĐ-CP của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị đã hướng dẫn cụ thể các trường hợp cấp giấy phép quy hoạch, đồng thời quy định thời gian tối đa, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư. Giấy phép này chỉ được cấp đối với dự án đầu tư tại khu vực đô thị chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị được duyệt. Những khu vực đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt thì không yêu cầu phải xin cấp giấy phép quy hoạch. Bởi vậy, nhà đầu tư tiến hành công tác chuẩn bị dự án đối với những khu vực chưa có quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết được tạo thuận lợi hơn, không phải chờ Nhà nước phê duyệt quy hoạch xây dựng xong mới tiến hành lập dự án.
Về việc “thêm – bớt” các thủ tục, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đề nghị xem xét lại quan điểm bỏ giấy chứng nhận chất lượng với viện dẫn về trường hợp đổ 2 cột tháp phát sóng tại Nam Định và Quảng Bình do bão thời gian trước đây. Những sự cố này là do thiết kế chứ không liên quan đến chứng nhận đầu tư. Việc cần làm là kiểm soát được đơn vị thi công thực hiện cho đúng thiết kế được duyệt và nên chăng cần có 1 loại giấy phép là chứng nhận đưa công trình vào sử dụng. Trong khi đó, giấy chứng nhận đầu tư ở các dự án BOT lại được Bộ trưởng Bộ Giao thông Đinh La Thăng cho là hơi hình thức với dẫn chứng nhiều dự án trên Quốc lộ 1A gần hoàn thành rồi mới cấp giấy chứng nhận đầu tư vì Bộ Kế hoạch và Đầu tư không đủ người để làm cả loạt một lúc như vậy. Đối với dự án cần đảm bảo tiến độ thời gian thì không thể chờ chứng nhận đầu tư.
Cùng đó, việc thẩm định thiết kế kỹ thuật được nhận định sẽ dồn một khối lượng lớn cho cơ quan quản lý nhà nước. Nếu làm đúng, làm nghiêm thì mất rất nhiều thời gian, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhưng làm nhanh thì lại rất hình thức – người đứng đầu Bộ Giao thông nêu vấn đề. Nếu vậy nguồn nhân lực sẽ phải tăng thêm và trở thành thách thức lớn. Đơn cử như hoạt động đăng kiểm, trước nay có 130 trung tâm và làm rất thông thoáng nhưng từ đầu năm đến nay đã “siết chặt”, chặn tiêu cực thì lại dẫn đến ùn ứ rất nhiều. Như vậy, làm thật thì sẽ “tắc”. Tuy nhiên, cải cách TTHC nhằm bỏ bớt các thủ tục rườm ra, chồng chéo, nhưng không có nghĩa là buông lỏng. Hiện nay, công trình đường cao tốc đầu tư nguồn vốn rất lớn mà thời hạn bảo hành cũng chỉ 24 tháng như nhiều công trình xây dựng khác thì chưa ổn và cần nâng khoảng thời gian này lên từ 4 – 5 năm.
Từ thực tế trên, Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành liên quan cần có cần phối hợp chặt chẽ, có kế hoạch hành động cụ thể về cải cách TTHC trong đầu tư xây dựng; thực hiện phân cấp cho địa phương. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ xác định đây là một trọng tâm để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia bởi lĩnh vực xây dựng đóng vai trò rất quan trọng. Để cải cách thủ tục cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế.
Thu Hằng