Liên quan đến các vướng mắc của dự án, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận cho biết Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có tổng cộng 46 gói thầu được triển khai; trong đó, các gói xây lắp, sử dụng vốn ODA là 13 gói đã hoàn thành 4 gói; các gói tư vấn, mua sắm bằng vốn ODA đã hoàn thành 5/7 gói; các gói tư vấn dùng vốn đối ứng đã hoàn thành 19/26 gói thầu. Nhìn chung, còn nhiều gói thầu đang triển khai, chưa hoàn thành.
Về tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án thuộc gói thầu xây lắp, đến nay vẫn còn 2 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng do vướng về giá cả bồi thường và diện tích đất phải thu hồi. Đối với việc đấu nối nước thải, lũy kế từ đầu dự án triển khai đến nay chỉ đạt 8.650 đấu nối, đạt tỷ lệ 56%.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho hay, để hỗ trợ Chủ đầu tư (Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận) có đầy đủ 100% mặt bằng sạch, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác để tuyên truyền, vận động và giải quyết các khiếu nại liên quan đến dự án.
Bên cạnh đó, các đơn vị có liên quan của tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án nên đến nay đã có 1.582 trường hợp bàn giao mặt bằng, đạt tỷ lệ 99,9%. Còn 1 hộ gia đình và 1 tổ chức đang được các đơn vị của tỉnh, của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm tiếp tục vận động để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án.
Để giải quyết khó khăn, vướng mắc về đấu nối nước thải của dự án, Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận cũng đã có Văn bản số 3523/SXD-QLHĐXD&HTKT ngày 17/10/2023 đề nghị Sở Tài chính ưu tiên bố trí kinh phí ngân sách năm 2024 khoảng 1,4 tỷ đồng để thực hiện đấu nối cho 10 cơ quan đơn vị có hệ thống thu gom nước thải chung của thành phố, hoặc nằm trong phạm vi mạng lưới tuyến ống thu gom nước thải của dự án. UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản số 4554/UBND-KTTH ngày 31/10/2023 giao Sở Tài chính xem xét đề nghị của Sở Xây dựng tại văn bản nêu trên để khẩn trương triển khai các bước tiếp theo.
Đồng thời, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp, khách sạn, cơ sở lưu trú, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm chủ động bố trí kinh phí để triển khai thực hiện đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước chung của thành phố.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, để triển khai thực hiện chương trình phục hồi sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án theo yêu cầu của Ngân hàng thế giới, Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố cũng đã rà soát các hộ đủ điều kiện tham gia chương trình phục hồi sinh kế.
Qua rà soát, có 493 hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị mất từ 20% diện tích đất nông nghiệp trở lên, hoặc bị mất từ 10% diện tích đất nông nghiệp trở lên đối với nhóm dễ bị tổn thương; trong đó, có trên 1.100 nhân khẩu trong độ tuổi lao động. Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đang phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai họp tham vấn lấy ý kiến những người bị ảnh hưởng, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo của chương trình phục hồi sinh kế.
Theo Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận, tính từ đầu triển khai dự án đến hết tháng 10/2023, dự án đã giải ngân được trên 1.489 tỷ đồng, đạt khoảng 66%; trong đó, vốn ODA đã giải ngân trên 893 tỷ đồng, đạt 56%; vốn đối ứng đã giải ngân trên 595 tỷ đồng, đạt 91%.
Mới đây, qua giám sát thực địa của đoàn công tác WB tại dự án, các thành viên trong đoàn giám sát đã ghi nhận sự tiến triển rõ rệt trong việc thi công các hạng mục, một số công trình hoàn thành tạo sự phấn khởi cho người dân nằm trong vùng hưởng lợi.
Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng khuyến nghị tỉnh Ninh Thuận cần tăng cường hơn nữa việc giải ngân vốn, lập kế hoạch giải quyết dứt điểm các trường hợp còn vướng mắc để đẩy nhanh thi công gói thầu ở một số tuyến kênh, nhất là đẩy nhanh đấu nối nước thải vào cống thoát nước chung của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Đồng thời, phải đảm bảo an toàn lao động trong xây dựng, vệ sinh môi trường trên công trường, tránh gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải được triển khai ở 4 thành phố ven biển của các tỉnh: Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Bình và Ninh Thuận. Đối với Tiểu dự án thành phố Phan Rang - Tháp Chàm được chia làm 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn I chiếm 30% tổng mức đầu tư và giai đoạn II chiếm 70% tổng mức đầu tư của dự án.
Dự án là một trong những công trình trọng điểm, có quy mô lớn của tỉnh Ninh Thuận. Dự án sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ giúp cải thiện khả năng tiêu thoát nước mưa và giảm số điểm bị ngập úng; tăng khả năng thu gom, xử lý nước thải, rác thải, cải thiện môi trường nước, đất và không khí; cải thiện điều kiện vệ sinh trường học và các khu vực công cộng; cải thiện điều kiện giao thông nội đô và phát triền hạ tầng cho hệ thống thoát nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.