Thời gian qua, tại một số tuyến đê sông trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản, bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
Thực trạng này gây ra nhiều hệ lụy như: Thất thoát nguồn thu ngân sách, hao mòn tài nguyên khoáng sản, đất đai; gây ô nhiễm môi trường; làm hư hỏng một số đoạn mặt đê ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn giao thông và an toàn công trình đê điều; gây sạt lở đất canh tác, đồng thời phát sinh các vấn đề xã hội, gây mất an ninh trật tự khu vực nông thôn.
Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, dọc các tuyến sông trên địa bàn thành phố có 202 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng tập trung trên các tuyến đê, trong đó có 188 bãi hoạt động và 14 bãi đang tạm dừng hoạt động. Trong số bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng đang hoạt động có 37 bãi có giấy phép.
Ngoài các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động ở khu vực bãi sông, trên tuyến đê tả Đáy thuộc địa bàn các huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa, tồn tại các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng nhỏ lẻ nằm trên mặt đê, mái đê, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đê điều cũng như gây nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Đáng chú ý, nhiều sự cố công trình đê điều xảy ra đều tập trung ở các quận, huyện, thị xã có tình trạng khai thác cát lòng sông và có nhiều điểm tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông như: Ba Vì, Sóc Sơn, Đan Phượng, Long Biên, Sơn Tây, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thường Tín, Phú Xuyên, Đông Anh, Gia Lâm.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, thành phố Hà Nội tiếp tục đưa ra những biện pháp mạnh để siết chặt hơn nữa công tác quản lý và xử lý kiên quyết đối với những trường hợp vi phạm, cố tình tái phạm.
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị được cấp giấy phép khai thác khoáng sản nghiêm túc khắc phục các tồn tại, hạn chế, chủ động phối hợp giải quyết các vướng mắc có liên quan như: Lập thiết kế mỏ, lập dự án cải tạo phục hồi môi trường, đưa dự án vào khai thác bảo đảm hiệu quả; thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; điều chỉnh bảo đảm phù hợp giữa hợp đồng thuê đất với giấy phép khai thác khoáng sản; báo cáo định kỳ theo quy định...
Trường hợp các đơn vị không thực hiện việc khắc phục tồn tại, hạn chế, Sở chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xử lý nghiêm các vi phạm theo thẩm quyền và quy định hoặc báo cáo, đề xuất UBND thành phố thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, xác định các vị trí phù hợp làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông; trên cơ sở đó đề xuất thành phố chỉ đạo để giải quyết dứt điểm tình trạng sử dụng đất bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông trái phép hiện nay.
Thành phố cũng giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với lực lượng cảnh sát đường thủy của Công an thành phố tăng cường kiểm tra, quản lý chặt các phương tiện giao thông đường thủy nội địa, xử lý nghiêm các tàu thuyền không đăng ký, không đăng kiểm; phối hợp với Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm hoạt động bến thủy nội địa trái phép.
Đặc biệt, theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Công an thành phố chủ trì, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra Công an quận, huyện, thị xã tăng cường tuần tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý dứt điểm, nghiêm minh đối với các chủ phương tiện sử dụng tàu thuyền hút cát trái phép trên sông; tăng cường phối hợp với Công an các tỉnh giáp ranh nhằm phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về khai thác cát lòng sông trái phép.
Đồng thời, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi khai thác trái phép, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (nếu có) đối với các đơn vị đã được cấp giấy phép nhưng chưa được giao đất để triển khai thực hiện dự án.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có một số loại khoáng sản chính và có triển vọng khai thác là đá xây dựng, cát xây dựng, cát san lấp, sét gạch ngói, than bùn, puzolan. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố khoanh định 86 mỏ quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn, trong đó quy hoạch khai thác, sử dụng 36 mỏ; quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng 50 mỏ. Thành phố đã cấp phép khai thác khoáng sản cho 38 mỏ và phê duyệt 25 khu vực cấm hoạt động khai thác khoáng sản với tổng diện tích cấm là 209,53 km2.