Kiểm tra làm đội chi phí
Theo báo cáo của CIEM, sau 2 năm triển khai Nghị quyết 19/2014, môi trường đầu tư, kinh doanh có bước cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên (tăng 12 bậc trong bức tranh cạnh tranh toàn cầu 2015 - 2016 - Diễn đàn kinh tế thế giới công bố tháng 9/2015). Tuy nhiên, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Vẫn còn nhiều bộ, ngành và địa phương chưa tích cực vào cuộc. Nhiều nơi, người đứng đầu vẫn coi Nghị quyết 19 như là phong trào, chưa nắm được cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ đề ra nên chưa quan tâm, chỉ đạo và đôn đốc kiểm tra. Chính vì vậy, môi trường kinh doanh tuy có được cải thiện, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực”. Trong 10 chỉ số đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh chỉ có 5/10 chỉ số có sự cải thiện, riêng chỉ số về cấp phép xây dựng thì kéo dài thêm 52 ngày. Các chỉ số về: đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, giao dịch thương mại qua biên giới, giải quyết doanh nghiệp phá sản còn thấp khá xa so với trung bình các nước ASEAN 6.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Hải Nam, đại diện Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) phản ánh, hoạt động kinh doanh của các thành viên thuộc Vasep liên quan đến 6 bộ, ngành, khi có bất cứ vấn đề gì, đều được Vasep tổng hợp và kiến nghị, đồng thời gợi ý giải pháp. Nhưng nhiều kiến nghị của Vasep mà chờ đến 2 năm nay vẫn không được giải quyết. Cùng chia sẻ nỗi niềm, ông Nguyễn Sơn, đại diện Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cũng phản ánh, doanh nghiệp trong hiệp hội đang chịu rất nhiều áp lực về các loại chi phí kiểm tra. Trước đây không có quy định kiểm định thực vật đối với nguyên liệu bông. Nhưng cách đây 4 năm sau vụ một lô hàng nhập về bị ngấm nước mưa, sinh ra mối, bọ, Cục Bảo vệ thực vật áp dụng kiểm tra thực vật đối với bông nhập khẩu. Mỗi năm Hiệp hội nhập khẩu hơn 1 triệu tấn nguyên liệu về sản xuất, với quy định kiểm tra mẫu tỉ lệ 50%, sẽ có khoảng 17 - 18.000 côngtennơ bông phải kiểm tra. Chi phí kiểm tra hiện tại là 1 triệu đồng/côngtennơ. Như vậy chỉ riêng chi phí cho kiểm tra thực vật, hiệp hội phải chi 17 - 18 tỉ đồng/năm. Chưa kể các thủ tục, chi phí trước sau công tác kiểm tra như chi phí thông quan, chờ kiểm tra. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, ông Sơn kiến nghị, nên thay tiền kiểm bằng hậu kiểm và nghiên cứu công nhận chứng nhận kiểm tra, kiểm dịch thực vật của các nước mà hiệp hội nhập nguyên liệu để giảm thủ tục và chi phí kiểm tra cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tư nhân chế biến thủy sản Hồng Ngọc (Khu công nghiệp Hòa Hiệp, tỉnh Phú Yên) phấn đấu năm 2016 sản xuất 1.500 tấn sản phẩm thủy sản đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ, doanh thu 520 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN |
Bức xúc không kém, ông Trương Văn Cẩn, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may kiến nghị, cơ quan kiểm tra chuyên ngành cần rút ngắn thời gian xác nhận, kiểm tra, giảm các công đoạn kiểm dịch không cần thiết. Bởi trong quỹ thời gian thông quan hàng hóa, khâu kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 70%, trong khi hải quan chỉ chiếm 30%.
Định lượng việc cải thiện môi trường kinh doanh
Với Nghị quyết 19/2016, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ (VPCP) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trực tiếp thực hiện việc theo dõi, đánh giá, giám sát tình hình thực hiện nghị quyết và báo cáo tại các phiên họp của Chính phủ. Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 19 tại các bộ, cơ quan, địa phương.
Với Nghị quyết 19/2016, Chính phủ giao cụ thể nhiệm vụ của các bộ, cơ quan. Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan địa phương phải tự xây dựng kế hoạch hành động và có kết quả bằng định lượng trong các vấn đề như cải cách thủ tục hành chính, minh bạch thông tin, sự năng động của lãnh đạo, thời gian xử lý vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin, sau hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ nhận được rất nhiều kiến nghị về những bất cập của chính sách, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cần được sớm giải quyết. Từ những đề xuất của doanh nghiệp, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp thể hiện trong Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19/2016. Với những nhiệm vụ mà Chính phủ giao trong Nghị quyết 19/2016, tới đây, Chủ tịch UBND các tỉnh sẽ phải ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về các chỉ tiêu định lượng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý.
Để tạo sự đồng bộ chuyển biến trong hành động của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổng hợp những vụ nhũng nhiễu, những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp mà báo chí phát hiện, đề cập để báo cáo Chính phủ cũng như gửi đến các cơ quan quản lý, đơn vị xảy ra nhũng nhiễu. Văn phòng Chính phủ cũng sẽ xây dựng mạng xã hội chính quyền trên các mạng xã hội như facebook, zalo... để tiếp nhận ý kiến, kiến nghị kịp thời của người dân, doanh nghiệp dễ dàng, tiện lợi và thân thiện.
Cuối cùng, ông Hà nhấn mạnh: “Tới đây, các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp chậm được giải quyết, Ban đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ) sẽ cùng CIEM, VCCI đến tận bộ, ngành, địa phương để làm việc, kiểm tra với quan điểm truy đến cùng, giải quyết phải được việc!”.