Giải quyết bất cập trong đầu tư công

Đầu tư công của Việt Nam trong những năm vừa qua đã có những đóng góp rõ rệt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống và sát với tình hình hiện nay, hiện có không ít vấn đề cần được thay đổi và hoàn thiện, trong đó nổi bật là cơ chế phân cấp đầu tư công.

 

Bất cập từ phân cấp


Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2001 - 2010, tổng mức đầu tư toàn xã hội so với GDP tăng từ 35,4% năm 2001 lên khoảng 41% năm 2010. Trong cơ cấu đầu tư toàn xã hội, đầu tư từ nguồn vốn nhà nước bình quân giai đoạn này chiếm 46,3%. Hoạt động đầu tư công đã được siết chặt từ năm 2011 khi Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty nhà nước rà soát, hoãn, giãn các dự án chưa cấp bách hoặc kém hiệu quả...


Thực tế cho thấy, thời gian qua, đầu tư công của nhiều dự án còn kém hiệu quả, dàn trải, gây lãng phí, thất thoát… Một trong những nguyên nhân chính là hệ lụy của những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện phân cấp quản lý. Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), từ năm 2006 đến nay, phần lớn dự án đầu tư công đều được phân cấp cho ngành và địa phương - hệ quả là việc quyết định đầu tư công đã tách rời việc bố trí vốn. Không những thế, việc quản lý, điều chỉnh vĩ mô đã bị buông lỏng. Các dự án do các địa phương quyết định quá nhiều nhưng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách lại hạn hẹp và bị dàn trải. Không ít dự án bị thiếu vốn, thực hiện cầm chừng, chậm đưa vào sử dụng, do vậy hiệu quả ngày càng giảm.


Ngoài ra, tính bình quân trong phân bổ vốn ngân sách cũng đã hạn chế khả năng tập trung vốn đầu tư vào những vùng có lợi thế kinh tế cao, khả năng sinh lời lớn, hạn chế hiệu quả của đầu tư công.


Chuyên gia tư vấn độc lập, TS Đinh Đức Sinh cho rằng, mặc dù đầu tư công đã được phân cấp, nhưng vẫn chưa đủ để mỗi địa phương nhận được sự phân phối ngân sách nhà nước một cách công bằng hơn, minh bạch hơn, tránh cơ chế xin - cho và được chủ động cao hơn trong việc đầu tư nâng cao phúc lợi xã hội cho cộng đồng dân cư của mình, nhất là về y tế và giáo dục. “Xem ra, phân cấp đầu tư công còn rất nhiều bất cập phải giải quyết trong thời gian tới”, ông Sinh nói.

Sớm hoàn thiện cơ chế và chính sách quản lý


Nhằm đổi mới cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư công, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Luật Đầu tư công. Hiện Bộ này đã tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi tới các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.


Theo Ban soạn thảo, Dự thảo Luật Đầu tư công đã quy định về hoạt động đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư sử dụng vốn nhà nước vào chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư công và trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư công.


Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, hiệu quả đầu tư nhà nước hiện rất thấp, gây tác động tiêu cực đến ổn định và phát triển kinh tế quốc gia. Do vậy, Luật phải giải quyết tất cả các vấn đề có liên quan đến các loại đầu tư nhà nước hiện nay.


Theo TSKH Võ Đại Lược, để đầu tư công hiệu quả và không bị tràn lan, chồng chéo ở các địa phương, vấn đề trước tiên phải thực hiện quy hoạch vùng phát triển, từ đó mới tính tới quy hoạch phát triển các tỉnh, chứ không làm ngược như hiện nay.


Dự thảo Luật sẽ quy định theo hướng làm rõ trách nhiệm cụ thể của người có thẩm quyền quyết định chủ trương và quyết định đầu tư, đặc biệt, đảm bảo tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý dự án.

Trưởng Ban chính sách đầu tư-CIEM, TS Đinh Trọng Thắng lại cho rằng, Luật Đầu tư công cần sớm được ban hành, cùng với đó là Luật Quy hoạch và Nghị định đầu tư trung hạn nhằm thể chế hóa một số nội dung như: Đối chiếu chi phí của dự án đang xem xét với các dự án khác trong nước và quốc tế để đảm bảo chi phí không bị phóng đại; áp dụng khuôn khổ ngân sách trung hạn cho cả cấp trung ương và địa phương; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin trực tuyến về các dự án đầu tư công và tăng cường vai trò của hội đồng nhân dân trong quản lý các dự án đầu tư công.


Theo kinh nghiệm quốc tế trong phân cấp quản lý nhà nước, muốn cho quá trình phân cấp đầu tư công thành công, không thể không tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản, đó là: phân cấp phải phù hợp với năng lực (bộ máy, con người, tiềm lực tài chính), phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội; phân cấp tài khóa phải tương ứng với nhiệm vụ chi…


Ngoài ra, theo CIEM, việc tăng cường phân cấp quản lý nhà nước về cấp đầu tư công từ cơ quan Trung ương cho cơ quan địa phương cần phải gắn liền với việc phải thiết lập một cơ quan Trung ương đủ mạnh, có khả năng giám sát việc thực hiện của chính quyền cấp dưới. Bên cạnh đó, phải có hệ thống pháp luật về cấp đầu tư công hoàn chỉnh, cùng với cơ chế phát huy cao độ tính dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cộng đồng, các tổ chức xã hội tham gia hoạt động quản lý nhà nước về cấp đầu tư công.

Thúy Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN