Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8%?

Trong tình hình kinh tế và thương mại thế giới vẫn diễn biến phức tạp, mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,8% của Việt Nam trong năm 2019 là một thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương.

Để hiểu rõ hơn về tình hình tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm và nhận định những tháng sắp tới, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm xung quanh nội dung này. 

Chú thích ảnh
Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang (Tập đoàn Thủy sản Minh Phú) tại Khu công nghiệp sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Xin ông cho biết những kết quả chủ yếu trong tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2019 và những lưu ý gì cần đặt ra cho nền kinh tế những tháng tiếp theo?

Tận dụng những thuận lợi từ kết quả ấn tượng đạt được trong năm 2018 và kết quả tích cực của quý I năm nay, kinh tế quý II năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực. GDP 6 tháng đầu năm nay đạt mức tăng trưởng khá 6,76%, kinh tế vĩ mô ổn định, xuất khẩu tạo dấu ấn quan trọng, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhất trong 3 năm 2017-2019.

Mặc dù, GDP 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các nhiệm vụ, giải pháp được ban hành để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.

Kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2019 theo chúng tôi là một thành công của kinh tế Việt Nam trước bối cảnh kinh tế thế giới phải đối mặt với thời kỳ bất trắc cao khi 70% nền kinh tế các nước trên thế giới; trong đó, hầu hết các nền kinh tế phát triển đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại.

Thương mại toàn cầu kém sôi động, tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây, nhưng nền kinh tế của chúng ta đạt mức tăng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ thị trường tiếp tục tăng cao, giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế... Có được kết quả này là nhờ sự điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới trong thời gian tới. Đó là tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu tăng chậm lại; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu có xu hướng giảm đáng kể; cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu ở mức thấp.

Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp cũng đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Ngành chăn nuôi gặp khó khăn khi đối diện với dịch tả lợn châu Phi ngày càng lây lan trên diện rộng ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Ngoài ra, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường…

Lạm phát năm 2019 được dự báo sẽ chịu nhiều sức ép do diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới và giá điện tăng … Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

 Sự chủ động điều hành giá xăng dầu, điện, nước, sách giáo khoa và giá dịch vụ y tế…vào các thời điểm thích hợp, nguồn cung gạo dồi dào, dịch tả lợn châu Phi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là các yếu tố dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước, tăng 1,41% so với tháng 12/2018 và tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2019, CPI tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018 - mức tăng bình quân 6 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Dự kiến các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát các tháng còn lại năm 2019 bao gồm: điều chỉnh mức lương cơ sở 100.000 đồng/tháng từ ngày 01/7/2019 theo Nghị quyết số 70/2018/QH14 của Quốc hội ngày 13/11/2018; điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục; giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm tăng do nhu cầu tiêu dùng vào các dịp lễ tết và cuối năm (đặc biệt giá thịt lợn ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi); yếu tố thiên tai và thời tiết bất lợi cùng các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến lạm phát năm 2019 ở Việt Nam, như: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn; căng thẳng chính trị ở khu vực Trung Đông.

Tuy nhiên, Chính phủ luôn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm 2019. Lường trước các yếu tố ảnh hưởng tới lạm phát, Chính phủ đã xây dựng và cập nhật kịch bản điều hành giá cho 6 tháng cuối năm; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa, hạn chế những thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn cho thị trường.

Với quyết tâm và sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ cùng với sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương trong từng tháng từ nay đến cuối năm 2019, tôi tin mục tiêu CPI bình quân năm 2019 ở mức tăng dưới 4% hoàn toàn đạt được.

Trước những bất ổn của kinh tế thế giới và hàng loạt những khó khăn ở trong nước, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2019, các bộ, ngành và địa phương sẽ phải tập trung vào những giải pháp nào, thưa ông ?

 Trong tình hình kinh tế và thương mại thế giới diễn biến phức tạp, tăng trưởng trong nước quý II/2019 có dấu hiệu chậm lại so với quý I/2019 thì mục tiêu cả năm đạt tăng trưởng GDP 6,8% là một thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương.

Theo chúng tôi, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như: cần tăng tổng cầu đầu tư và tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất; thúc đẩy ngay tăng trưởng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, không để dồn vào cuối năm; thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý vào thời điểm hợp lý, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực để ngăn chặn hiệu quả dịch tả lợn châu Phi lan rộng, đồng thời chuẩn bị cung ứng đủ giống phục vụ tái đàn sau dịch bệnh, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi lợn chuyển sang các loại vật nuôi khác…

Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Đặc biệt là xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản, cần giải quyết có hiệu quả vấn đề kiểm dịch động thực vật, bảo đảm vệ sinh an toàn chất lượng để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam…

Vậy Tổng cục Thống kê sẽ tham mưu với Chính phủ, các bộ, ngành như thế nào trên cơ sở các con số thống kê để góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% mà Chính phủ quyết tâm đạt được trong năm nay, thưa ông?

Trên cơ sở nắm bắt thông tin kịp thời về tình hình kinh tế xã hội, Tổng cục Thống kê chủ động phân tích, đánh giá tình hình, báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để Bộ trưởng báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngay từ đầu năm, dựa trên năng lực và các động lực phát triển của nền kinh tế, Tổng cục Thống kê đã xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế theo từng ngành, từng lĩnh vực.

Trên cơ sở số liệu tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2019 và từ kết quả các cuộc điều tra, báo cáo của bộ, ngành, địa phương, Tổng cục Thống kê sẽ cập nhật và xây dựng các kịch bản tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực cho quý III và quý IV/2019, kịp thời báo cáo Bộ trưởng để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành nền kinh tế để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,8%.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng tham gia Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Ban Chỉ đạo điều hành giá, do đó Tổng cục Thống kê sẽ chủ động đóng góp ý kiến, cung cấp số liệu để thực hiện công tác điều hành giá, chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Đối với các bộ, ngành, Tổng cục Thống kê luôn phối hợp tốt, chúng tôi cũng đã có những thỏa thuận hợp tác chia sẻ thông tin giữa hai cơ quan, thông qua đó Tổng cục Thống kê sẽ kịp thời cung cấp thông tin về các ngành, lĩnh vực giúp các bộ, ngành có thêm thông tin trong quản lý, điều hành để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Xin cám ơn ông!

Thúy Hiền/TTXVN (Thực hiện)
GDP 6 tháng tăng 6,76%
GDP 6 tháng tăng 6,76%

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,76% so với cùng kỳ năm 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN