Theo Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình Tây Nguyên 3, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam): Hiện nay, diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng đang bị thoái hóa, hoang mạc hóa rất mạnh, với quy mô lớn, tốc độ ngày càng nhanh. Các nhà khoa học đã khuyến cáo các tỉnh Tây Nguyên sớm thực hiện các giải pháp ứng phó, phục hồi để có chế độ sử dụng nguồn tài nguyên đất bền vững nhằm phục vụ tốt yêu cầu việc phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Tốc độ thoái hóa nhanh
Theo báo cáo, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích đất tự nhiên trên 5,4 triệu ha, là vùng có diện tích đất đang sử dụng chiếm tỷ lệ cao: 81,5%, đứng thứ tư trong 7 vùng của nước ta. Địa hình đất Tây Nguyên là một phức hợp: Núi, cao nguyên, trũng giữa và đồng bằng, với nguồn tài nguyên đất rất đa dạng, nhất là có 1,3 triệu ha đất đỏ bazan với hàm lượng chất hữu cơ, đạm, lân, kali… khá cao, thích hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu, chè, dâu tằm, cây ăn quả… Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có diện tích đất thoái hóa ở cấp độ mạnh và rất mạnh là trên 1,5 triệu ha, trong đó, nhiều nhất là tỉnh Gia Lai có 850.000 ha, kế đến là các tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng.
Nghiêm trọng hơn, các tỉnh Tây Nguyên đã có trên 71,7% đất đỏ bazan đã bị thoái hóa ở nhiều cấp độ khác nhau. Đi kèm với thoái hóa đất, các tỉnh Tây Nguyên cũng đã có trên 560.000 ha đất bị hoang mạc hóa. Theo dự báo, trong vài năm đến, các tỉnh Tây Nguyên sẽ có trên 1,876 triệu ha đất (chiếm khoảng 34,3% tổng diện tích đất vùng Tây Nguyên) bị thoái hóa mạnh và rất mạnh, trong đó, tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng là những địa phương có diện tích đất có nguy cơ bị thoái hóa cao, lên đến trên 300.000 ha mỗi tỉnh.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá và Thạc sĩ Đỗ Thị Thao, (Khoa Môi trường, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Thành phố Hồ Chí Minh), nghiên cứu tại Đắk Lắk cho thấy, với lượng mưa hàng năm, ở những khu vực đất có độ dốc từ 5 - 8 độ thì trên 1 ha đất nương rẫy, lượng đất bị rửa trôi lên đến 95,1 tấn/năm, trên đất trồng ngô là 105,7 tấn, trên đất trồng cà phê hai năm tuổi là gần 70 tấn… gấp nhiều lần so với nơi có rừng (rừng tái sinh chỉ có 12 tấn, rừng nguyên sinh chỉ có dưới 6 tấn đất bị rửa trôi). Kết quả tổng kết tại nhiều điểm quan trắc trên các độ dốc và vùng đất khác nhau cũng cho thấy do canh tác không khoa học nên lượng chất dinh dưỡng trung bình hàng năm trên 1 ha đất sản xuất ở các tỉnh Tây Nguyên bị cuốn trôi rất lớn. Tính ra, mỗi năm đất các tỉnh Tây Nguyên bị trôi xuống sông Mê Kông và sau đó bị đẩy ra Biển Đông lên đến hàng trăm triệu tấn, kèm theo đất là hàng vạn tấn đạm, lân, kali… trong đất. Đây là lý do chính khiến cho đất canh tác ở các tỉnh Tây Nguyên mau bạc màu, xói mòn nhanh chóng.
Giảm nguy cơ sa mạc hóa
Không có rừng che phủ, lượng nước ngầm trong đất ở vùng Tây Nguyên cũng bị suy kiệt, độ ẩm của đất cũng giảm, các vi sinh vật trong đất cũng mất theo nên dẫn đến một số vùng xuất hiện sa mạc hóa, hạn hán quanh năm, cây khô cằn không phát triển được…
Chương trình Tây Nguyên 3 đã khuyến cáo, cụ thể hóa chiến lược này bằng việc tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như tăng cường năng lực phòng chống hạn bằng bài toán cân bằng nước, giải quyết các mâu thuẫn trong khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước mặt, nước dưới đất (nước ngầm). Các nhà khoa học cũng đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực của các hồ chứa vừa và nhỏ, ứng dụng các công nghệ chống xói mòn, tăng khả năng giữ ẩm bằng vật liệu Polymer, áp dụng thực tế vào các mô hình trồng cà phê, hồ tiêu, cao su. Các tỉnh Tây Nguyên cũng nhanh chóng tăng nhanh diện tích rừng trồng, tăng cường quản lý bảo vệ rừng hiện có tốt hơn… nhằm từng bước hạn chế, tiến đến ngăn chặn được các quá trình thoái hóa đất, giảm nguy cơ cơ lan rộng tình trạng sa mạc hóa để sử dụng đất bền vững góp phần phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Bộc lộ nhiều bất cập Phát triển bền vững Tây Nguyên vừa là mục tiêu, vừa là phương pháp luận tổng quát của Chương trình Tây Nguyên 3. Tây Nguyên cần phải phát triển bền vững trên cơ sở hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với nâng cao phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường. Thực tế phát triển Tây Nguyên sau gần 30 năm đổi mới, được Đảng và Chính phủ đầu tư đã có bước tăng trưởng đáng kể. Song nhiều kết quả nghiên cứu từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội cho thấy bộc lộ nhiều bất cập, thiếu bền vững: Không bền vững trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, không bền vững trong quản lý xã hội, thiếu bền vững trong phát triển kinh tế trong từng lĩnh vực hay cả vùng lãnh thổ. Thực trạng đó đã dẫn đến xuất hiện các xung đột môi trường tự nhiên và mâu thuẫn bất ổn xã hội. Thiên tai ngày càng khốc liệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. GS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3. Thoái hóa đất xảy ra rất nghiêm trọng Hoang mạc hóa được xem là một trong những vấn đề môi trường và kinh tế - xã hội hết sức nghiêm trọng, là hậu quả của quá trình thoái hóa đất ở các vùng khô hạn, bán khô hạn, vùng ẩm nửa khô hạn do các nguyên nhân khác nhau, trong đó có biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người gây ra. Tây Nguyên có vị trí địa chính đặc biệt quan trọng với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống và là vùng sinh thái nhạy cảm với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên trong thời gian qua không bền vững, GDP trên đầu người thấp và tỷ lệ đói nghèo cao. Các quá trình thoái hóa đất xảy ra ở đây rất nghiêm trọng do các hoạt động của con người và tự nhiên. Cùng với các áp lực gia tăng dân số, các hoạt động khai thác tài nguyên diễn ra ồ ạt, trong đó tình trạng khai thác và sử dụng đất thiếu hợp lý trong thời gian dài là nguyên nhân chính gây ra các quá trình thoái hóa đất và hoang mạc hóa. Ông Lưu Thế Anh, Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam |
Huy Quang