Nền nông nghiệp thông minh đang dần được hình thành được coi là giải pháp cốt lõi nhằm giải quyết triệt để những tồn tại, hạn chế để chấm dứt điệp khúc “được mùa - mất giá” đối với các sản phẩm nông nghiệp.
Với mục tiêu các sản phẩm nông nghiệp của địa phương phải đáp ứng được những nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, Cà Mau đang tích cực triển khai thực hiện dự án ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho hệ canh tác lúa - tôm. Đây là dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và ủy quyền địa phương quản lý. Mô hình hiện đã được triển khai tại xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau.
Anh Phan Hoàng Minh, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cà Mau cho biết, vụ lúa vừa qua, người dân trong vùng dự án thu hoạch hơn 7 tấn/ha, tăng hơn 2 tấn/ha so với cùng kỳ. Càng phấn khởi hơn khi Dự án đã được Trung ương phê duyệt; 120ha trong dự án đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch và hướng tới sẽ nhân rộng. Mục tiêu của dự án là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho hệ canh tác lúa - tôm tỉnh Cà Mau. Từ đó, tạo ra sản phẩm lúa gạo có chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Anh Phan Hoàng Minh thông tin thêm, đến tháng 8 tới, khi vào mùa vụ anh sẽ triển khai tiếp mô hình với 80ha.
Kỹ sư Phạm Văn Mịch, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau chia sẻ, dự án VietGAP trên lúa đối với tỉnh Cà Mau còn rất mới, nhưng với sự cố gắng và hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ của Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, bước đầu đã thực hiện theo đúng tiến độ về khối lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm dự án và ứng dụng ngay vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Thống kê sơ bộ, Cà Mau hiện có khoảng 168 ha đất trồng đạt chuẩn VietGAP; trong đó, có khoảng 120ha lúa. Hệ canh tác lúa mùa đặc sản rất phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là trong điều kiện xâm nhập mặn ngày càng tăng ở các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong hệ thống lúa - tôm, giống lúa mùa đặc sản địa phương có tính thích ứng cao do có kiểu hình thích nghi vùng trũng thấp, chịu mặn tốt và chống chịu sâu bệnh.
Kỹ sư Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, lúa gạo là một trong 4 ngành hàng chủ lực được chọn để triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện, Sở đang triển khai mô hình sản xuất lúa an toàn. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ quy hoạch các điểm đang sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để xây dựng vùng sản xuất lúa sạch.
Với những định hướng đã vạch ra, các chuyên gia nông nghiệp đánh giá, đây sẽ mở ra những cơ hội to lớn đối với ngành tôm địa phương. Bởi tỉnh Cà Mau có trên 280.000 ha nuôi tôm, chiếm 40% diện tích, 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước; phấn đấu đến năm 2025, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 4 tỷ USD.
Ngoài ra, tỉnh còn có trên 30 nhà máy chế biến, với công suất khoảng 200.000 tấn/năm; trong đó, chế biến tôm là chủ yếu. Giá tôm có chứng nhận bình quân cao hơn giá thị trường khoảng 20%. Sản phẩm tôm Cà Mau đã có mặt trên 90 quốc gia; trong đó, thị trường xuất khẩu chính gồm Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc.
Để hướng đến mục tiêu tạo nên vùng nuôi tôm sạch, an toàn và bền vững, UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cùng Chương trình SeafoodWatch và Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế tổ chức “Ngày kết nối doanh nghiệp ngành thủy sản và ký kết tham gia Liên minh Sản xuất tôm sạch và bền vững Việt Nam”.
Điều này không chỉ đảm bảo việc lựa chọn các nhà nuôi tôm, cung ứng thức ăn, cơ sở hạ tầng mà còn tạo thành một chuỗi khép kín theo quy trình chuẩn, tất cả vì mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững của ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho hay, việc thành lập Liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững được đánh giá là một trong những xu thế tất yếu trong bối cảnh ngành tôm Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng. Xu hướng thị trường ngày càng thay đổi, buộc phải thay đổi để thích nghi, chú trọng vào chất lượng thay vì số lượng. Tới đây, khi tham gia vào Liên minh, Cà Mau sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất chuỗi một cách chặt chẽ hơn nữa, qua đó xây dựng các vùng nuôi chứng nhận quốc tế; đồng thời đẩy mạnh giám sát cộng đồng trong lĩnh vực này...
Từ những thực tế đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã xây dựng mô hình liên kết mới; trong đó có sự tham gia tích cực và gắn trách nhiệm từ các bên trong chuỗi giá trị. Đối với người nuôi tôm: Một đơn vị diện tích đất nuôi tôm công nghiệp phải góp tối thiểu 25% vốn (qua máy móc, trang thiết bị, con giống, lao động, nhiên liệu…). Doanh nghiệp cung cấp vật tư hỗ trợ người nuôi tôm tối thiểu 35% thông qua hình thức bán hàng trả sau không tính lãi. Còn về phía ngân hàng cho vay tối thiểu 40% vốn qua hình thức cho vay thế chấp.
Để thực hiện chuỗi liên kết mới này, người nuôi tôm sẽ được mua trực tiếp con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản từ doanh nghiệp với mức giá ưu đãi. Người nuôi tôm sẽ được bán trực tiếp con tôm cho doanh nghiệp chế biến, đóng gói bỏ qua 2 trung gian đầu mối. Theo đó, mô hình mới sẽ đặt trách nhiệm cho mỗi bên tham gia cùng có lợi.
Giải pháp được ngành chuyên môn đặt ra trong lúc này là đẩy mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tăng cường sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; tăng cường từng khâu trong chuỗi liên kết này; tiếp tục cải cách hành chính, thể chế, chính sách; cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp; khuyến khích các ngân hàng tham gia vào chuỗi liên kết.
Từ liên kết “4 nhà”, rồi mở rộng lên “6 nhà” là một chiến lược cho tương lai bền vững, bao gồm các thành viên của chuỗi: Nhà nông - nhà nước - ngân hàng - doanh nghiệp - người nuôi tôm - nhà phân phối.
Để mời gọi đầu tư vào ngành nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Cà Mau tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất; tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung ứng đầu vào; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, giá thuê đất… nhằm đạt mục tiêu phát triển thành vùng nông nghiệp công nghệ cao.