“Mức độ mở cửa hội nhập quốc tế của Việt Nam đã và đang rất lớn, tạo nhiều cơ hội mới song cũng dấy lên lo ngại về tác động của cắt giảm thuế quan theo các cam kết FTA tới nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN)”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh bày tỏ.
Giảm hàng loạt dòng thuế
Theo ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), giai đoạn 2015- 2018, phần lớn các Hiệp định thương mại đã ký kết sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu, đặc biệt là Hiệp định thương mại hàng hóa trong ASEAN (ATIGA), ASEAN- Trung Quốc (ACFTA) và ASEAN- Hàn Quốc (AKFTA) bước vào thời điểm xóa bỏ thuế quan cuối cùng lần lượt vào năm 2018, 2020 và 2021.
Hội nhập mang lại cơ hội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong ảnh: May hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Thanh Hóa. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh kinh tế Á Âu (VCUFTA) được ký mới đây, Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường khoảng 90% số dòng thuế với lộ trình trong vòng 10 năm và xóa bỏ thuế ngay đối với một số mặt hàng nông sản, các mặt hàng khác có lộ trình 3- 10 năm hoặc chưa cam kết. Liên minh Hải quan cam kết xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với khoảng 53% tổng số dòng thuế tập trung vào các nhóm mặt hàng nông- lâm- thủy sản của Việt Nam như: Phần lớn các mặt hàng thủy sản, dệt may, giầy thể thao, đồ gỗ, đồ điện tử…
Không ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, những mối lo ngại về hụt thu NSNN do cắt giảm thuế quan đã xuất hiện từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2007, song tác động thực tế không lớn và phần nhiều đều đã được dự báo chính xác đi đôi với những biện pháp xử lý phù hợp và hiệu quả. Thu NSNN chắc chắn chịu tác động trực tiếp từ cắt giảm mạnh khoảng 90% số dòng thuế nhập khẩu theo các cam kết FTA nhưng những năm qua, tổng thu NSNN năm sau vẫn cao hơn năm trước và đều vượt dự toán, kể cả số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Ông Vũ Đình Ánh dẫn chứng: Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu giảm đã tạo điều kiện kích thích xuất nhập khẩu (XNK). Theo đó, tổng kim ngạch XNK hằng năm đều tăng cao, tạo thêm nguồn thu NSNN. Bên cạnh đó, "hàng rào" thuế quan được dỡ bỏ đã tác động tích cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, kể cả doanh nghiệp hoạt động XNK cũng như doanh nghiệp thuần túy hoạt động trên thị trường trong nước. Do đó, những khoản thu tăng thêm từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (GTGT)... cũng tăng lên, bù đắp và thậm chí vượt phần hụt thu do thực hiện cam kết FTA.
Đồng quan điểm, ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho rằng: Sự tác động đến ngân sách là không nhiều. Việc giảm thuế sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy sự phát triển của hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng là góp phần gia tăng nguồn thu.
Thúc đẩy kinh tế tư nhân
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, hội nhập càng sâu thì thu trực tiếp từ XNK có thể giảm xuống nhưng đồng thời thu từ tăng trưởng kinh tế có thể tăng lên nên nhờ thế vẫn có nguồn thu. Quan trọng là phải xác định động lực tăng trưởng kinh tế là khu vực tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ và là khu vực tự do trong nền kinh tế thị trường. Do đó, cải cách thể chế hành chính cần có tầm nhìn và có môi trường kinh doanh phù hợp thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Lo ngại về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân trong quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng, bà Nguyễn Thị Bích, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) nhận định: “Mặc dù khu vực tư nhân đã phát triển, song quy mô vẫn còn nhỏ và gặp nhiều hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ, chưa kể đến vấn đề các ngành sản xuất phải đối mặt với sức cạnh tranh về chất lượng và giá cả của hàng nhập khẩu. Ngoài ra, còn những thách thức nội tại khác như thị trường đất đai, lao động, vốn, công nghệ chưa phát triển đồng bộ”.
Theo bà Bích, Nhà nước đã tạo môi trường chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định; khung chính sách đang dần hoàn thiện tiệm cận với nguyên tắc, thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu khoa học công nghệ cơ bản, công tác quy hoạch chiến lược, tạo lập thị trường cơ bản- vốn, công nghệ, đất đai cần khẩn trương tăng cường và hoàn thiện.