Tuần vừa qua chứng kiến cảnh sụt giảm mạnh của hầu hết các thị trường từ Đông sang Tây, trong đó có thị trường kim loại quý trước áp lực từ chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi báo cáo cuộc họp chính sách vào ngày 13/3 vừa qua của FED đã chỉ ra rằng họ sẽ không can thiệp để hỗ trợ các thị trường, đồng thời tuyên bố rằng FED vẫn chưa tiến hành đợt nới lỏng định lượng lần 3 (QE3), bất chấp việc một vài thành viên của cơ quan này cho rằng gói kích thích là cần thiết nếu nền kinh tế mất động lực tăng trưởng hoặc nếu lạm phát duy trì dưới mức trần 2% trong trung hạn.
Trong bối cảnh thị trường ngập tràn lo lắng về khả năng Tây Ban Nha sẽ theo gót Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha rơi vào khủng hoảng nợ công, thì biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của FED đã "nhấn chìm" hy vọng của nhà đầu tư về đợt QE mới nhằm thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng, khiến giá vàng "tụt đốc" mạnh, trong khi đồng USD được lợi và lên giá càng làm gia tăng hoạt động bán ra các loại hàng hóa được định giá bằng "đồng bạc xanh".
Theo chuyên gia Ed Meir thuộc Công ty INTL FCStone, biên bản cuộc họp chính sách của FED không phải là điều đặc biệt gây ngạc nhiên, song nó đã tác động lập tức đến hầu hết các thị trường, khiến nhà đầu tư không tránh khỏi hụt hẫng. Ngay sau thông báo của FED, giá vàng nhanh chóng rơi xuống mức thấp nhất trong ba tháng trở lại đây, kéo theo các kim loại quý khác cùng xuống giá.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước vào ngày 5/4 (thị trường Mỹ và châu Âu và một số thị trường ở châu Á đóng cửa nghỉ Lễ Phục sinh từ ngày 6/4), giá vàng tại Luân Đôn giảm từ 1.662,5 cách đó một tuần xuống 1.631 USD/ounce, trong khi giá bạc và bạch kim cũng lần lượt giảm từ 32,43 và 1.640 USD/ounce xuống 31,273 và 1.592 USD/ounce.
Trong hai phiên đầu tuần, trước khi FED nhóm họp, giá vàng kỳ hạn tăng gần 8 USD phiên 2/4 tại Mỹ và tiếp tục tăng hơn 10 USD trên mỗi ounce khi mở cửa phiên giao dịch 3/4 tại thị trường châu Á, khi đồng USD yếu đi hỗ trợ hoạt động mua vàng trên khắp các thị trường. Chốt phiên 2/4 tại Sàn giao dịch kim loại Niu Yoóc, giá vàng giao tháng 6/2012 tăng 7,8 USD (0,5%) lên 1.679,7 USD/ounce. Mở cửa phiên 3/4 tại Hồng Công, giá vàng giao ngay tăng thêm 10,8 USD lên 1.654,9 USD/ounce. Các chuyên gia thị trường đánh giá rằng vàng tiếp tục xu hướng lên giá khi đồng USD để mất đà tăng từ đầu phiên 2/4, sau khi Viện quản lý nguồn cung của Mỹ công bố số liệu cho thấy lĩnh vực chế tạo của nước này đã tăng từ 52,4% trong tháng 2/2012 lên 53,4% vào tháng 3/2012 và mốc trên 50% chứng tỏ sự tăng trưởng của lĩnh vực chế tạo.
Tuy nhiên, tình hình đã diễn biến ngược lại 180 độ sau khi biên bản cuộc họp của FED được công bố chiều 3/4 theo giờ Mỹ, thị trường vàng bắt đầu "trượt đốc". Đóng cửa phiên 4/4 tại thị trường Niu Yoóc, giá vàng giao tháng 6/2012 giảm tới 57,9 USD (3,5%) xuống 1.614,1 USD/ounce. Theo thống kê ban đầu của hãng tin Anh Reuters, khối lượng giao dịch trong phiên này thấp hơn khoảng 10% so với mức trung bình của 30 ngày qua. Biên bản cuộc họp của FED đã kích hoạt đợt bán tháo trên thị trường vàng và đến phiên sáng 5/4 tại thị trường Xingapo, giá vàng giao ngay đã rời khỏi mức "đáy" của gần 3 tháng (1.611,8 USD/ounce) lập trong phiên giao dịch trước và đứng ở mức 1.621,89 USD/ounce (tăng 0,2%). Thị trường vàng còn chịu sức ép của đồng euro yếu, trong bối cảnh nhà đầu tư tỏ ra hờ hững với đợt bán trái phiếu của Chính phủ Tây Ban Nha.
Chuyên gia phân tích Walter de Wet thuộc Standard Bank nhận định giá vàng có khả năng trượt xuống mức sàn 1.600 USD/ounce. Nhà phân tích Sudakshina thuộc Tập đoàn tài chính Barclays Capital cũng có nhận định gần tương tự khi cho rằng giá vàng và các kim loại quý khác vẫn sẽ chịu sức ép xuống giá do những lo ngại liên quan đến nhu cầu, trong đó thị trường tập trung vào sự tăng trưởng yếu đi của kinh tế Trung Quốc và việc FED "phớt lờ" khả năng sử dụng thêm gói QE.
TTXVN/Tin tức