Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần ngày 24/2, giá vàng trong nước được điều chỉnh tăng rất mạnh, gần 800.000 đồng/lượng so với phiên cuối tuần qua. Đà tăng của vàng trong nước xuất phát điểm là do giá vàng thế giới "dựng đứng" lên mức đỉnh mới trong vòng 8 năm qua.
Ghi nhận lúc 11 giờ 30 phút ngày 24/2, giá vàng niêm yết tại SJC Hà Nội mua vào - bán ra ở mức 46,3 – 46,8 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 – 730.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch chiều qua. Tương tự, chênh lệch giá vàng SJC TP Hồ Chí Minh ở chiều mua vào – bán ra là 700.000 – 750.000 đồng/lượng.
Tại DOJI Hà Nội, niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 46,25 – 46,6 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 – 620.000 đồng/lượng. DOJI TP Hồ Chí Minh niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 46,25 – 46,75 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 – 750.000 đồng/lượng.
Tại thị trường thế giới, giá vàng tăng vọt lên 1681,25 USD/oz, mức cao nhất kể từ tháng 2/2013, trong những giờ đầu phiên giao dịch ngày thứ hai (24/2) tại thị trường châu Á. Nhiều chuyên gia phân tích thị trường cho biết, với sự lo ngại dịch COVID-19 xuất phát từ Trung Quốc sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu, các thương nhân vội vã tìm đến kênh an toàn. Đó cũng là động lực đã đẩy giá kim loại quý này lên đỉnh sau nhiều năm.
Theo đó, nguyên nhân mới nhất gây lo ngại là sự gia tăng nhiều lần về số ca nhiễm SARS –CoV2 từ Hàn Quốc, Nhật và đặt biệt là từ Ý. Cụ thể, số ca nhiễm tại Hà Quốc đã lên 763 người với 7 người tử vong, đứng đầu nước ngoài Trung Quốc. Tại Ý, theo thông tin chi tiết, các trường hợp nhiễm COVID -19 đã tăng 3 lần so với mức sáng thứ sáu tuần trước, lên hơn 157 người vào ngày 24/2 với 3 người tử vong.
Chính vì điều này, nhiều chuyên gia dự đoán, kim loại màu vàng có thể tiến tới mốc 1.700 USD/oz. Hiện giá vàng thỏi giao ngay cũng đã tăng lên mốc 1.680 USD/oz, tăng 2,2%. Trong tuần trước, kim loại quý thế giới cũng đã tăng 3,8% khi các nhà đầu tư tìm kiếm một tài sản trú ẩn an toàn trước nỗi sợ SARS-CoV2 leo thang.
Nhiều dự báo cho rằng, vàng sẽ lên đến 2.000 USD/oz vì các ngân hàng trung ương thế giới tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ông Edward Meir, nhà phân tích tại ED&F Man Capital Markets, nhận định: "Xét về các cấp độ tiếp theo đối với vàng, 1.700 USD/oz là "mục tiêu ngắn hạn". Bởi vàng có nhiều chỗ để hoạt động hơn, nó vẫn đang ở giai đoạn non trẻ của thị trường tăng trưởng của nó".
Còn theo nhận định của chuyên gia Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán MayBank KimEng, giá vàng sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới bởi dòng tiền trên thế giới hiện đang dịch chuyển, đặc biệt là nhà đầu tư đang rút tiền ra khỏi Bitcoin khi đồng tiền này có xu hướng giảm. Ngoài ra, đồng USD cũng đang suy giảm kéo vàng tăng nhanh hơn. Bởi theo lý thuyết, lạm phát tăng là lúc các nhà chính sách sẽ tính tới việc đẩy nhanh việc thắt chặt tiền tệ. Lãi suất sẽ được đẩy tăng nhanh lên. Tuy nhiên, ở vào thời điểm hiện tại, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa có động thái rõ ràng hơn về kế hoạch tăng lãi suất. Đây là lý do khiến đồng tiền của Mỹ sụt giảm.