Hoạt động sản xuất công thương đạt mức tăng trưởng cao và vượt so với cùng kỳ năm trước. Cơ bản một số doanh nghiệp đã chủ động và có những giải pháp, kế hoạch kinh doanh phù hợp, triển khai kịp thời các hợp đồng với nhiều khách hàng, sản xuất chuẩn bị cho nhu cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều khởi sắc.
Trong 11 tháng năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Kiên Giang hơn 45.000 tỷ đồng, tăng hơn 11% so cùng kỳ năm 2022, đạt 93,5% kế hoạch; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo hơn 43.000 tỷ đồng, tăng 11,25% giữ vai trò chủ lực của ngành sản xuất công nghiệp tỉnh. Đặc biệt, trong tháng 11/2023, một số sản phẩm có sản lượng tăng cao so cùng kỳ như tôm đông tăng 98,27%, giầy da tăng 58,79%, mực đông tăng 51,55%, nước mắm tăng 32,41%, khai thác đá tăng 21,34%, bột cá tăng 17,07%...
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Trương Văn Minh cũng cho hay, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh trong tháng 11/2023 cũng gặp những khó khăn, bất lợi nhất định như đơn hàng giảm, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn còn cao… khiến một số doanh nghiệp phải tạm dừng và giảm quy mô công suất hoạt động, luân phiên cho lao động tạm nghỉ.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 11 tháng được hơn 803 triệu USD, đạt trên 94% kế hoạch, tăng 8,77% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, gạo thu được 297,96 triệu USD, đạt 158,49% kế hoạch, tăng 68,24%; hải sản 223,33 triệu USD, 74,44% kế hoạch; giày da 184,35 triệu USD, đạt 104,74% kế hoạch, tăng 24,01%; hàng khác 98,03 triệu USD, đạt 51,46% kế hoạch, so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong tháng 11/2023, giá lúa trong tỉnh và giá gạo trên thế giới ở mức cao, do nhu cầu nhập khẩu tăng cao của các nước Trung Quốc, Indonesia, Philippines… có lợi cho người trồng lúa, là cơ hội để tỉnh đẩy hoạt động xuất khẩu gạo.
Trong tháng cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, tỉnh Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và hoạt động ngoại thương để lĩnh vực kinh tế công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu đạt và vượt kế hoạch năm 2023, tạo đà phát triển mạnh mẽ trong năm 2024.
Ngành công thương tỉnh cập nhật, theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, chế biến xuất khẩu, nhất là các mặt hàng thiết yếu, lúa gạo, thủy sản. Tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất sản phẩm hàng hóa cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Ngành chức năng tỉnh tiếp tục cập nhật, thông tin, phổ biến các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…; thông tin tình hình thị trường trong và ngoài nước cho doanh nghiệp để chủ động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa. Ngành chức năng tỉnh thông tin các quy định về hội nhập kinh tế quốc tế và các điều kiện, thông tin thị trường xuất nhập khẩu, hoạt động thông quan hàng hóa, hành khách qua các cửa khẩu, giao dịch thương mại trong và ngoài nước…
Mặt khác, tỉnh tham gia Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023 và Lễ tôn vinh trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia tại Hà Nội; Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu giữa tỉnh Kiên Giang và tỉnh Hà Giang; trưng bày tại Hội nghị kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp của tỉnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng quan hệ, liên kết đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa.