Tỉnh Quảng Bình có 17/21 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm nay, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Quảng Bình vẫn duy trì ổn định và đạt 7,2%. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng gần 11%; giá trị sản xuất dịch vụ tăng 7,18%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 5.703 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 29.600 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng ...
Đáng chú ý, năm 2023, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch được tỉnh Quảng Bình triển khai kịp thời, hiệu quả; nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai cùng với những sự kiện văn hoá - du lịch nổi bật thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình năm nay, ước đạt hơn 4,5 triệu lượt khách, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ và vượt hơn 29% so với kế hoạch đề ra. Một số dự án du lịch, nghỉ dưỡng lớn đã đi vào hoạt động; các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng và phát triển các sản phẩm du lịch mới để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách, góp phần khắc phục tính thời vụ; trong đó, nổi bật làng Tân Hóa, huyện miền núi Minh Hoá được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh là “Làng du lịch tốt nhất thế giới” năm 2023.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng duy trì kết nối thường xuyên, liên tục với các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế; tăng cường mở rộng liên kết, hợp tác phát triển đến các khu vực tiềm năng, hoạt động dịch vụ lưu trú du lịch lữ hành năm 2023 tiếp tục phục hồi nhanh và mạnh mẽ. Ước tính doanh thu lưu trú năm 2023 đạt 558 tỷ đồng, tăng gần 24%; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 455 tỷ đồng, tăng gần 29% so với cùng kỳ. Thương hiệu Du lịch Quảng Bình ngày càng được khẳng định, đánh giá cao thông qua kết quả bình chọn của các tạp chí uy tín và sự hài lòng của khách du lịch.
Theo Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, việc thực hiện các nhiệm vụ năm 2023 trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố bất lợi, lạm phát thế giới vẫn ở mức cao, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chính suy giảm; trong nước, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu vẫn ở mức cao, thị trường bất động sản phục hồi chậm... đã tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành kinh tế.
Trong bối cảnh đó, với việc xác định năm 2023 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Theo nghị quyết chú trọng các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi và phát triển du lịch, thu ngân sách, phát triển quỹ đất, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, cùng với sự cố gắng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong toàn tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh đạt những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Cùng với đó, các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh Quảng Bình được triển khai mạnh mẽ, an sinh xã hội được quan tâm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, an ninh trật tự được đảm bảo, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Năm 2024, tỉnh Quảng Bình tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, điều hành của Chính phủ về ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng để tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tỉnh Quảng Bình phấn đấu đưa tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 đạt từ 7 - 7,5%; thu ngân sách đạt từ 6.100 - 6.300 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 31.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt từ 65 - 66 triệu đồng.