Giá thực phẩm và rau xanh có dấu hiệu phục hồi

Thông tin về bê bối thịt bẩn từ Brazil và việc Việt Nam xem xét tạm ngưng nhập khẩu thịt từ nước này đã phần nào giúp kéo giá gà trong nước mấy ngày qua tăng trở lại, người chăn nuôi có lợi nhuận bù lại khoản lỗ do giá thấp một thời gian dài.

Giá thịt nội tăng do lo ngại chất lượng thịt ngoại

Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết, sau thông tin thịt bẩn của Brazil, giá thịt gà công nghiệp trong nước được hưởng lợi tích cực. Giá loại gà công nghiệp tăng nhanh nhất, hiện đã lên tới mức 28.000 đồng/kg gà bán tại trại, người nuôi đã có lời khoảng 3.000-4.000 đồng/kg. Trong khi giá gà thời điểm tháng 2 từng xuống dưới mức 15.000-17.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Giá gà ta ổn định ở mức từ  từ 60.000 – 70.000 đồng/kg.

Giá thịt gà trong nước đang tăng trở lại. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Được biết, chăn nuôi trong nước đang chịu sức ép rất lớn từ hàng nhập khẩu. Giá thịt gà công nghiệp nhập khẩu về bán sỉ chỉ có 17.000 – 20.000 đồng/kg, khiến cho giá thịt gà trong nước giảm sâu (thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây). 

Cùng với thịt gà nhích tăng, giá lợn hơi cũng tăng nhẹ, theo các trang trại lý giải có thể một phần do thông tin Brazil dính bê bối thịt bẩn chấn động thế giới. Cụ thể giá lợn hơi tại Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã lên mức 33.000 – 35.000 đồng/kg lợn hơi, tăng hơn 3.000 – 5.000 đồng/kg so với giá lợn tuần trước đó. Tuy nhiên người nuôi vẫn lỗ 7.000 đồng/kg , tính ra người chăn nuôi lỗ khoảng 700.000 đồng/con.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số lợn của cả nước tháng 2/2017 tăng 4,5-5,2% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu do người chăn nuôi mở rộng quy mô đàn trong những tháng cuối năm 2016 để xuất khẩu, nhưng vừa qua, Trung Quốc đột ngột dừng thu mua khiến sản lượng trong nước bị dư thừa.

Gần đây, hoạt động xuất lợn đi Trung Quốc bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Tuy nhiên, hoạt động xuất lợn không ổn định do Trung Quốc chưa mở hẳn cửa khẩu để xuất lợn mà chỉ tạm mở thành từng đợt.

Thời tiết bất lợi, giá rau xanh tăng trở lại 

Tại các huyện ngoại thành Hà Nội như: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì…, hồi đầu tháng 3, do thời tiết nắng ấm thuận lợi, nguồn cung rau xanh tăng, giá các loại rau rớt giá thê thảm, người nông dân thua lỗ nặng. Đầu tháng 3, bắp cải được thương lái thu mua với giá chỉ 1.500 đồng/kg, giảm gần 1.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Tính ra, mỗi cây rau từ 1,5 - 2kg có giá chưa đến 3.000 đồng. 

Không chỉ có bắp cải, nhiều loại rau khác cũng giảm: su hào chỉ còn 2.000 - 2.500 đồng/củ, cải thảo 3.500 - 4.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá cà chua giảm mạnh, chỉ còn 1.500 - 2.000 đồng/kg, mỗi sào cà chua lỗ khoảng 2 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong vòng 1 tuần gần đây, giá rau đã nhích tăng. Giá rau xanh tăng trở lại do thời tiết gần đây diễn biến bất lợi: mưa ẩm nhiều và có các đợt rét tăng cường… ảnh hưởng đến chất lượng và nguồn cung rau xanh. Các loại rau xanh đã tăng thêm từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Giá cà chua cũng tại vườn cũng đã tăng lên mức từ  3.000 – 5.000 đồng/kg.

Khảo sát giá rau xanh chiều 26/3 tại các chợ dân sinh trong nội thành Hà Nội như chợ Thành Công, chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Quỳnh Mai … giá rau tiếp tục tăng nhẹ so với tuần trước. Bắp cải được bán với giá 8.000 đồng/kg, cà chua bán lẻ dao động từ  10.000 – 13.000 đồng/kg, nhiều loại rau lá khác có giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg.

Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Hiện, diện tích trồng rau của Hà Nội hàng năm khoảng 12.000ha, tập trung nhiều ở các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì… Năm nay nông dân trồng rau vụ đông rất nhiều, nguồn cung vì thế tăng cao, giá rau giảm cũng giảm. 

Về giải pháp giúp nông dân thoát cảnh được mùa – mất giá, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Hiện nay việc sản xuất của bà con vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ nên thường hay gặp rủi ro lớn. Sắp tới, để cải thiện tình hình, Hà Nội sẽ tích cực đưa ra chính sách ưu đãi, khuyến khích, thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết sản xuất – tiêu thụ với nông dân để góp phần cải thiện được thị trường, giúp nông dân yên tâm gắn bó với nghề nông.

Thu Hường/Báo Tin Tức
Các doanh nghiệp Việt không nhập thịt từ 21 nhà máy bị điều tra của Brazil
Các doanh nghiệp Việt không nhập thịt từ 21 nhà máy bị điều tra của Brazil

Ngày 24/3, Cục Thú ý khẳng định, cho đến hiện tại, chưa có bất cứ doanh nghiệp Việt Nam nào nhập khẩu thịt có nguồn gốc từ 21 nhà máy của Braxin đang bị điều tra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN