Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam, khi bán 1 kg cà phê nhân, chúng ta có khoảng 2 USD, tương đương với giá trung bình của 1 ly cà phê ở các nước nhập khẩu, trong khi mỗi kilôgam cà phê nhân có thể pha được 50 ly cà phê.
Thu hoạch cà phê ở thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà (Kon Tum). Ảnh: Trần Lê Lâm- TTXVN |
Về khối lượng, cà phê Việt Nam chiếm 20% thị phần, nhưng về giá trị chỉ được khoảng 2% thị phần cà phê thế giới. Lấy mốc là năm 2012 với kim ngạch xuất khẩu cà phê là 3,74 tỷ USD, và giả định tiêu dùng cà phê thế giới tăng trưởng 2% mỗi năm. Nếu Việt Nam đặt mục tiêu sau 10 năm sẽ nâng thị phần theo giá trị lên 20% (tương đương với thị phần theo khối lượng), kim ngạch xuất khẩu cà phê lúc đó sẽ là 45 tỷ USD. Đây có phải là mục tiêu mới của cà phê Việt Nam?
Thực trạng cà phê Việt Nam
Muốn đạt mục tiêu thị phần 20%, Việt Nam không thể tiếp tục gia tăng khối lượng sản xuất cà phê nhân hoặc tìm cách xuất khẩu cà phê Robusta với giá cao như giá cà phê Arabica. Xét trên quan điểm chuỗi giá trị, ngành cà phê Việt Nam có quá nhiều việc phải làm: từ tái canh, cung ứng vật tư, kỹ thuật nông nghiệp, đến chăm sóc, thu hái, bảo quản, sơ chế, thu mua, chế biến, và marketing, thương mại… Trong khuôn khổ của một bài viết ngắn, chúng tôi chỉ đề cập giới hạn trong lĩnh vực chế biến và tiếp thị cà phê tới người uống.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT năm 2012, ngành cà phê Việt Nam thu về 4,3 tỷ USD, tăng 40,3 % về lượng và 36% về giá trị so với năm 2011. Tuy tốc độ tăng trưởng khá mạnh, nhưng tổng giá trị vẫn còn thấp do cà phê Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng nguyện liệu thô. Xuất khẩu cà phê thô đã chiếm tới 3,74 tỷ USD, còn cà phê chế biến tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 12 ngàn tỷ đồng, tương đương gần 600 triệu USD. Đây là doanh thu có được từ việc chế biến 5% cà phê nguyên liệu của Việt Nam. Nếu xuất khẩu 5% cà phê nguyên liệu đó, số tiền thu được là xấp xỉ 200 triệu USD. Như vậy, công nghiệp chế biến đã nâng giá trị cà phê lên hơn 3 lần so với xuất khẩu cà phê nguyên liệu. Tính trung bình, mỗi người Việt Nam chỉ sử dụng khoảng 0,7 kg cà phê/năm, bằng 1/10 so với các quốc gia phát triển.
Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê Thế giới về khối lượng tiêu thụ cà phê nội địa của một số quốc gia trồng cà phê tính theo ngàn bao (loại 60 kg/bao) thì tiêu thụ cà phê của Việt Nam đã ít hơn lại còn dậm chân tại chỗ trong khi tiêu thụ của Braxin nhiều hơn và đang tăng liên tục? Tại sao Braxin có dân số lớn gấp đôi nhưng tiêu thụ nội địa lượng cà phê lớn gấp 12 lần Việt Nam? Hãy nhìn vào thực trạng thị trường cà phê Việt Nam.
Nếu cà phê là một “tàn dư ngọt ngào” của thời kỳ Pháp thuộc thì thực trạng cà phê giả ở mức báo động hiện nay ở nước ta chính là một hệ lụy đắng đót của thời kỳ bao cấp kéo dài. Những năm trước 1990, cà phê nguyên liệu thiếu và đắt đỏ, hầu hết các cơ sở rang xay cà phê đã sử dụng bắp và một số loại hạt khác để độn vào cà phê. Ngoài ra, để tạo gu riêng, một số phụ gia khác như rượu, bơ, hạt cau, thậm chí cả nước mắm được cho vào cà phê. Hiện tượng này kéo dài đã tạo nên gu cà phê tạp trên thị trường cà phê rang xay. Càng về sau, gu này càng khuyến khích các cơ sở sản xuất chỉ chú trọng vào việc tìm kiếm các chất độn rẻ tiền hơn nhằm tối đa hóa lợi nhuận mà không chú ý vào việc đầu tư cho công nghệ và kỹ thuật chế biến.
Ngày nay, gu cà phê tạp còn lây cả sang cà phê hòa tan. Các nhà sản xuất cà phê ngày càng sử dụng nhiều chất độn và đang có xu hướng tìm các loại chất độn mới, rẻ tiền hơn. Nếu cà phê hòa tan chỉ độn thêm đậu nành, hương liệu… thì cà phê rang xay, chất độn thậm chí là các loại hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Vấn đề chất lượng cà phê đang ở mức báo động đỏ. Chất lượng của cà phê, đặc biệt cà phê rang xay đang bị mất kiểm soát. Tỷ lệ chất độn nguy hại trong cà phê rang xay của các cơ sở nhỏ rất cao. Các doanh nghiệp lớn hơn, kể cả doanh nghiệp có tên tuổi cũng sử dụng chất độn nhưng đang gian dối, không công bố hoặc công bố không chính xác, đầy đủ trên bao bì đóng gói. Việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước còn lỏng lẻo. Tình trạng này đã được các phương tiện truyền thông đại chúng cảnh báo, khiến nhiều người Việt Nam ít mặn mà với cà phê. Đây có phải là lý do chính khiến Việt Nam chỉ sử dụng hết 5% cà phê do mình sản xuất hay không? Hãy cùng xem xét trường hợp Braxin.
Tương lai cà phê Việt Nam và kinh nghiệm của Braxin
Giữa cà phê Braxin và cà phê Việt Nam có một khoảng cách quá xa. Việt Nam sử dụng cho chế biến tiêu thụ nội địa là 5% cà phê nhân, Braxin là gần 50%. Việt Nam có 4 thương hiệu cà phê hòa tan, Braxin có khoảng 20. Việt Nam có khoảng 20 thương hiệu cà phê rang xay, Braxin có khoảng 3.000. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà Baxin tạo được khoảng cách rất xa đó. Thực tế, hơn 20 năm trước, Braxin cũng từng gặp phải vấn đề tương tự như Việt Nam hiện nay.
Cuộc điều tra lớn toàn Braxin vào năm 1985 đã cho thấy, tiêu dùng cà phê tính trên đầu người của Braxin đã giảm hơn 50% so với năm 1965, từ 4,7 kg/người xuống còn 2,2 kg/người. Lý do mà người tiêu dùng Baxin đã quay lưng lại với cà phê là sự gian dối của các nhà rang xay. Cà phê đã bị pha tạp và chất lượng thấp. Người tiêu dùng cho rằng uống cà phê như thế có hại cho sức khỏe.
Giải pháp của Braxin là thanh lọc và nâng cao chất lượng cà phê rang xay trong nước bằng một chiến dịch quy mô lớn, kéo dài 10 năm, mang tên “Selo de Pureza” - “Purity Seal” - “Chứng nhận Tinh khiết” do ABIC - Hiệp hội các nhà rang xay cà phê Braxin chủ trì, dưới sự giám sát và bảo trợ của chính phủ Braxin.
Theo đó, một tổ chức được thành lập dựa trên nòng cốt chủ yếu là các nhà rang xay, và có cả đại diện người tiêu dùng, đại diện báo giới nhằm (1) Đánh giá các loại cà phê rang xay. (2) Đưa ra bộ tiêu chuẩn chất lượng của cà phê tinh khiết. (3) Vận động các nhà rang xay thực hiện các tiêu chuẩn đó. (4) Cho phép các nhà rang xay thực hiện đúng tiêu chuẩn được gắn nhãn “Chứng nhận Tinh khiết”. (5) Quảng bá chất lượng của các loại cà phê được gắn nhãn “Chứng nhận Tinh khiết”. (6) Thanh tra, kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm lưu thông trên thị trường. (7) Phạt rất nặng các cơ sở rang xay không thực hiện đúng cam kết về tiêu chuẩn chất lượng về cà phê tinh khiết đã được gắn nhãn “Chứng nhận Tinh khiết”. ABIC còn tổ chức thi nhằm chọn ra 1 công ty có uy tín và đủ năng lực thiết kế các chương trình quảng bá cho “Chứng nhận Tinh khiết”.
Trong 10 năm từ 1988 đến 1997, bằng ngân sách từ nguồn của Nhà nước hỗ trợ, các hội viên đóng góp và kể cả tiền phạt, Braxin đã đầu tư tổng cộng 27 triệu USD cho chương trình “Chứng nhận Tinh khiết”. Trong đó 21,5 triệu USD chi cho công tác quảng bá chương trình và 5,5 triệu USD chi cho việc thanh tra, giám sát chất lượng. Kết quả đầu tư đó đã giúp tiêu dùng nội địa của Braxin tăng 420 ngàn tấn cà phê nguyên liệu/năm, và doanh thu tăng 1 tỷ USD/năm.
Kinh nghiệm kích cầu tiêu dùng cà phê nội địa trên đây của Braxin là một bài học hữu ích đối với cà phê Việt Nam. Hướng đến văn hóa tiêu dùng cà phê đích thực, Việt Nam sẽ vượt qua giới hạn 12 ngàn tỷ đồng doanh thu năm 2012, đến từ các sản phẩm cà phê rang xay và cà phê hòa tan giá rẻ, chỉ khoảng 2.000 đồng/ly. Khi người Việt Nam thực sự yêu thích cà phê, 50% lượng cà phê nguyên liệu được chế biến thành các sản phẩm chất lượng cao, có giá bán khoảng 5.000 đồng/ly, ngành cà phê sẽ có hơn 300 ngàn tỷ đồng (tương đương 15 tỷ USD), ngay tại thị trường nội địa. Khi đó, chúng ta sẽ bớt băn khoăn với câu hỏi làm thế nào để gia tăng giá trị cho cà phê Việt Nam. Và, cộng với việc tăng tỷ lệ chế biến trong cà phê xuất khẩu, mục tiêu 45 tỷ USD cho ngành cà phê Việt Nam sẽ từ ước mơ hạ cánh xuống hiện thực.
Hoàng Quân