Nhiều doanh nghiệp cho biết, chính sách này sẽ phần nào giúp doanh nghiệp có thêm khoản tài chính, xoay xở trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Theo ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, việc gia hạn này là cần thiết để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021. Dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế của Nghị định 52/2021/NĐ-CP là 115.000 tỷ đồng; nghĩa là tổng số thu ngân sách nhà nước trong các tháng được gia hạn giảm tương ứng 115.000 tỷ đồng.
Với diễn biến dịch bệnh thời gian qua, nhiều doanh nghiệp các ngành nghề được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn, sụt giảm doanh số hoặc phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô nhỏ, nguồn vốn và tài chính hạn hẹp, ít nguồn lực dự phòng, khả năng ứng biến yếu trước thử thách gây ra bởi dịch bệnh...
"Dịch COVID-19 khiến cho nhu cầu sử dụng các dịch vụ, du lịch như: nhà nghỉ, khách sạn, cửa hàng, trung tâm thương mại sụt giảm mạnh. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng phải đối mặt với khó khăn khi việc phong tỏa, giãn cách được thắt chặt tại các quốc gia. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đuối sức, dẫn đến nguy cơ phá sản, rút khỏi thị trường nếu không có sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ.", ông Mạc Quốc Anh cho biết thêm.
Trong bối cảnh khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại lớn không có khả năng nộp thuế đúng hạn nên việc gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình của Bộ Tài chính là hợp lý và cần thiết. Bộ Tài chính đã xác định đúng và trúng các đối tượng, ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề bởi COVID-19. Tuy nhiên, ông Mạc Quốc Anh cũng kiến nghị, cần có các tiêu chí để thực thi chính sách, sớm đi vào thực tiễn, để các doanh nghiệp được hưởng lợi tối đa từ chính sách.
Cùng quan điểm trên, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, dù các đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may đã quay trở lại, tình hình sáng sủa hơn, song việc gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp giảm được gánh nặng, thêm sức để vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.
“Chúng tôi đánh giá đây là một trong những giải pháp cấp bách, quan trọng để giúp doanh nghiệp thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, bên cạnh chính sách này, cần kết hợp thêm nhiều giải pháp đồng bộ như hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn với mức lãi suất thấp, bởi hầu hết doanh nghiệp trong ngành dệt may đều sử dụng vốn vay nhiều...”, ông Giang nói.
Ở lĩnh vực cơ khí, thời gian qua, doanh nghiệp cơ khí chính xác SKD Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh các đơn hàng mới do tình hình dịch bệnh bùng phát. Ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam cho hay, là doanh nghiệp nhỏ nhưng tiền thuế thu nhập, thuê đất, thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp hàng quý cũng lên đến cả trăm triệu đồng.
Do vậy, việc nhà nước có chính sách giãn thời gian nộp trong bối cảnh hiện tại cũng là rất quý. Tuy nhiên, nếu có thể, Chính phủ nên có thêm các giải pháp mạnh hơn như giảm mức thuế phải nộp, giảm lãi suất vay vốn... Bởi hiện nay, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nói chung còn khó khăn, doanh thu sụt giảm nên việc giãn nộp thuế không đem lại tác động nhiều.
Có thể nhận thấy, trong các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất luôn được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực, được các doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng.
Để thực hiện tốt Nghị định 52/2021/NĐ-CP, Tổng cục Thuế cho biết, đơn vị cũng như cơ quan thuế các cấp đang đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách thuế, hỗ trợ người nộp thuế làm thủ tục gia hạn qua các kênh thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai thuế của người nộp thuế, để chủ động đôn đốc doanh nghiệp nộp các khoản thuế phát sinh, ngoài khác khoản thuế được gia hạn) sát với thực tế của hoạt động kinh doanh; đồng thời tăng cường quản lý chặt chẽ hoàn thuế ngay từ đầu năm, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật.