Theo báo “Độc lập” (Nga), giá dầu Brent ngày 11/11 đã giảm xuống 82 USD/thùng, mức thấp kỷ lục trong 4 năm qua, kéo theo thương hiệu dầu Urals của Nga cũng giảm xuống còn 80 USD/thùng. Thông thường dầu Urals của Nga có giá thấp hơn từ 3-5 USD so với dầu Brent.Ảnh minh họa. Nguồn: AFP-TTXVN. |
Hai phiên sau đó (phiên 13/11) giá dầu Brent lại tuột dốc mạnh hơn, trượt xuống dưới ngưỡng 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 9/2010 và đóng cửa ở mức 77,92 USD/thùng.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu giá dầu tiếp tục đà giảm dần đều như hiện nay thì việc khai thác các mỏ mới ở Nga có thể sẽ không có lãi. Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng hơn là ngân sách Nga, vốn chủ yếu dựa vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ sẽ ra sao. Giới quan sát kinh tế không loại trừ có thể xảy ra căng thẳng xã hội nếu giá dầu đi ngang ở mức thấp như hiện nay.
Diễn biến giá cả hiện nay rõ ràng nằm xa kỳ vọng của các quan chức Nga khi mới đây họ tuyên bố giá dầu khó có thể giảm xuống dưới mức 90 USD/thùng. Thậm chí trong một báo cáo ngày 10/11 Ngân hàng trung ương Nga còn dự báo giá dầu thô của Nga trong năm 2015 sẽ ở mức 95 USD/thùng.
Dự báo này được giới chuyên gia đánh giá là thiếu căn cứ, khi các diễn biến trên thị trường cho cho thấy bất cứ dấu hiệu nào có thể khiến giá dầu tăng trở lại.
Trong khi đó hãng Reuters cho biết, giá dầu thấp không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác năng lượng từ đá phiến của Mỹ. Hãng này cũng nhận định các nhà sản xuất của Mỹ có thể bắt đầu giảm lượng khai thác vào năm tới và có thể khiến thị trường được phục hồi.
Tuy nhiên hiện tại hầu hết các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đều có kế hoạch gia tăng khai thác để tăng thu ngân sách, vì vậy thị trường tiếp tục lao dốc là điều khó tránh khỏi. Khi đó, giá dầu Brent trong thời gian tới có thể chỉ quanh ngưỡng 80 USD/thùng, mặc dù khó giảm xuống mức thấp hơn.
Điều đáng ngạc nhiên là các thành viên OPEC hầu như không rối loạn trước việc giá dầu giảm, mà chỉ xác nhận đây là sự giảm giá bất thường và có yếu tố lũng đoạn thị trường.
Trong một phát biểu đưa ra hồi cuối tuần trước, Tổng thư ký OPEC Abdulla Al-Bardi cho rằng giá dầu có thể đi lên vào nửa cuối năm 2015. Tuy nhiên ông không đưa ra lời khuyên đối với các nước thành viên về việc cắt giảm hạn ngạch để kiềm chế đà giảm giá.
Ở Nga, cựu Bộ trưởng Tài chính Alexay Kudrin trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Russia 24 cho rằng trong 3-4 năm tới giá dầu khó có thể đi lên. Điều này phụ thuộc trước hết vào diễn biến thị trường và chính sách tiền tệ-tín dụng của các quốc gia. Thậm chí ông còn dự báo trong vòng 20 năm tới giá dầu thực tế sẽ giảm.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Nga tính toán trong 10 tháng đầu năm nay giá dầu Urals đã giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, và riêng trong tháng 10 giảm 20% so với thời điểm cách đây 1 năm (86 USD/thùng so với 108 USD/thùng).
Việc dầu mỏ bị bán với mức phá giá như hiện nay đang đặt ra mối hoài nghi trước việc hầu hết ngân sách của các nước thành viên OPEC sẽ không thể cân bằng và hoạt động khai thác trở nên không còn có lãi.
Mới đây Kuwait tuyên bố trong tương lai dài hạn giá dầu thế giới còn có thể giảm xuống mức 76-77 USD/thùng, đồng nghĩa với giá dầu Urals của Nga chỉ đạt mức 70-75 USD/thùng và có thể gây ra vấn đề lớn đối với ngân sách nước này.
Giá dầu giảm sẽ khiến các mỏ khó khai thác (đòi hỏi chi phí lớn) sẽ không còn có lãi. Trong khi đó, Nga có khá nhiều mỏ mới phát hiện thuộc kiểu này và chỉ có thể khai thác có lãi nếu giá dầu ở mức trên 100 USD/thùng.
Vì vậy, nếu viễn cảnh giá dầu giảm sâu như dự báo thì một loạt dự án của Nga ở thềm lục địa Bắc Băng Dương, cực Bắc sẽ phải dừng hoạt động do giá thành khai thác đã lên đến 70 USD/thùng chưa tính phí vận chuyển.
Điều đáng quan ngại với Nga là ngay cả khi Nga giảm sản lượng khai thác thì cũng không thể khiến giá dầu đi lên bởi hầu hết thành viên OPEC vẫn giữ nguyên mức xuất khẩu hiện nay.
Quay trở lại vấn đề ngân sách, giới chuyên gia cho rằng giá dầu thấp có thể là nguyên nhân gây ra các chấn động xã hội ở Nga. Hiện nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ nói riêng, tài nguyên nói chung đang chiếm đến hơn 50% ngân sách.
Nói một cách hình tượng, một công nhân khai thác dầu của Nga đang phải gánh nghĩa vụ xã hội cho khoảng 900 người, mức cao nhất trên thế giới. Vì vậy, khi lĩnh vực dầu khí suy yếu, những người bị cắt giảm an sinh xã hội sẽ có thể kéo nhau xuống đường.
Cao Cường(P/v TTXVN tại Moskva)