Gia đình ông Phan Thành Huy, ngụ ấp Vĩnh An, xã Bình Giã, huyện Châu Đức có 6 sào (6.000m2) trồng ca cao xen trong vườn tiêu được 2 năm tuổi, bắt đầu cho trái bói, ông cho biết, lứa đầu tiên gia đình ông thu hoạch được khoảng 2 tấn trái. Với giá hợp tác xã thu mua hiện nay là 11 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình ông bỏ túi gần 20 triệu đồng. Năng suất và thu nhập sẽ tăng thêm mỗi năm khi cây ca cao ngày càng phát triển.
Ông Huy cũng cho biết thêm, số cây giống ca cao này là gia đình ông được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ, cùng với phân bón nên chi phí hầu như gia đình không phải bỏ ra. Ngoài việc hỗ trợ cây giống, phân bón, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc cây ca cao, nhờ đó giúp người mới trồng ca cao như gia đình ông Huy rất yên tâm sản xuất và đạt được kết quả tốt.
Không chỉ gia đình ông Huy, những hộ nông dân trồng ca cao trên địa bàn huyện cũng khá vui mừng bước vào mùa thu hoạch, khi giá ca cao có chiều hướng tăng thêm.
Ông Lê Ngọc Cần, Giám đốc Hợp tác xã Ca cao Châu Đức cho biết, hiện hợp tác xã có 80 hộ thành viên, đang canh tác gần 100ha ca cao. Nếu canh tác tốt, ca cao trên 6 năm tuổi có thể đạt 3 tấn trái tươi/sào. Giá hạt ca cao lên men trên thị trường hiện đang tăng cao nên giá trái tươi cũng tăng cao, bởi nguyên liệu khan hiếm. Hiện nay, hợp tác xã đã liên kết với Công ty Cổ phần Socola Marou, Công ty Cổ phần Vua Thực Phẩm (TP Hồ Chí Minh); Công ty Binon Ca cao và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện khác để thu mua hạt ca cao lên men nên nông dân yên tâm đầu ra cho sản phẩm.
“Năm nay bà con rất phấn khởi, vì giá ca cao tươi năm ngoái có 5-6 nghìn đồng/kg, nay đã lên 10 - 11 nghìn đồng/kg. Chúng tôi đi khảo sát các vườn, vụ ca cao này năng suất khá. Hiện nay, các thành viên hợp tác xã canh tác chú trọng nâng cao chất lượng hạt ca cao, bà con canh tác cũng đã chuyển dần sang hướng hữu cơ”, ông Lê Ngọc Cần chia sẻ.
Cây ca cao đã bén rễ tại huyện Châu Đức đã khoảng 20 năm, đây là địa phương có vùng nguyên liệu lớn nhất về cây ca cao của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Sản phẩm ca cao của huyện đã được nhiều công ty trong và ngoài nước tìm đến thu mua để xuất khẩu. Hiện, hợp tác xã Ca cao Châu Đức có rất nhiều đơn hàng từ đối tác đặt hàng nhưng cung không đáp ứng đủ cầu. Nên ca cao của bà con thu hoạch đến đâu đều được hợp tác xã thu mua hết đến đó, không lo về đầu ra và giá cả. Vì thế, bà con trồng cây ca cao yên tâm mở rộng diện tích.
Huyện Châu Đức, từ khoảng 300ha ca cao trước năm 2020, đến nay diện tích cây ca cao trên địa bàn huyện Châu Đức đã lên đến 600ha, tập trung tại các xã Bình Giã, Bình Trung, Xà Bang, Kim Long, Quảng Thành… Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, ca cao ở Châu Đức được xếp vào nhóm có hương vị ngon nhất thế giới. Với mô hình trồng ca cao, nhiều nông dân rất kỳ vọng sản phẩm sẽ ngày càng được vươn xa hơn nữa vì đầu ra sản phẩm đã được bao tiêu.
Để phát triển vùng nguyên liệu, cuối tháng 8/2024 vừa qua, Hội Nông dân huyện Châu Đức đã tổ chức trao 20 nghìn cây ca cao giống cho các thành viên hợp tác xã, hội viên nông dân trồng ca cao trên địa bàn huyện. Tổng kinh phí mua cây ca cao giống là trên 260 triệu đồng, do Hội Nông dân huyện vận động các doanh nghiệp hỗ trợ.
Gắn với chủ trương đưa cây ca cao trở thành cây chủ lực của huyện Châu Đức, từ năm 2018 đến nay, Hội Nông dân huyện đã vận động các doanh nghiệp hỗ trợ mỗi năm 20 nghìn cây giống ca cao để hỗ trợ bà con nông dân trên địa bàn huyện.
Bên cạnh hỗ trợ hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, huyện Châu Đức còn hỗ trợ các thành viên hợp tác xã và nông dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý vườn ca cao; phòng ngừa dịch bệnh và côn trùng; thu hái trái và sơ chế biến.
Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức cho biết, xác định cây ca cao là cây trồng chủ lực của huyện Châu Đức, thời gian qua Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về phát triển cây ca cao. Để phát triển trồng mới cây ca cao UBND huyện đã có chương trình về hỗ trợ cây giống, phân bón cho bà con.
Theo đó, UBND qua chương trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm huyện dự kiến hỗ trợ kinh phí hơn 5 tỷ đồng để đầu tư cây giống, phân bón, vật tư nông nghiệp thực hiện quy trình canh tác cây ca cao phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị…
Song song đó, địa phương cũng đã nỗ lực tìm kiếm, kêu gọi nhiều doanh nghiệp hỗ trợ liên kết bao tiêu sản phẩm và chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao để phát triển cây ca cao cho nông dân; tập trung triển khai thêm nhiều giải pháp nhằm phát triển cây ca cao theo hướng bền vững, đạt mục tiêu nâng cao năng suất, sản lượng gắn với chất lượng; đồng thời hỗ trợ nhiều hơn cho người dân về kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, phòng chống các đối tượng dịch hại tấn công cây ca cao, gây thiệt hại cho nông dân.
Hiện nay, ngoài việc, một số doanh nghiệp triển khai liên kết thu mua trái ca cao tươi của bà con nông dân để sản xuất ra các sản phẩm như bột ca cao, kẹo socola, rượu ca cao, trà ca cao, nước ép ca cao… và xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và thị trường châu Âu. Tại huyện Châu Đức cũng đã có một số doanh nghiệp phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc trải nghiệm thú vị từ việc trồng, chăm sóc và chế biến ca cao.
Trước nhu cầu tiêu thụ ca cao ngày càng tăng, trong khi nguồn cung nguyên liệu đáp ứng chưa nhiều, ngành nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện quy trình trồng ca cao hữu cơ, mở rộng, tăng diện tích trồng ca cao tại huyện Châu Đức; trong đó, xây dựng nhiều diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.