Cụ thể, huyện Nam Đông đã giải ngân bồi thường được 6,13 tỷ đồng; huyện Phú Lộc 17,19 tỷ đồng; thị xã Hương Trà 4,25 tỷ đồng và thị xã Hương Thủy 11,87 tỷ đồng. Hiện, các địa phương đang tiếp tục rà soát bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng.
Để công tác bồi thường đạt kết quả tốt, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các huyện, thị xã liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác bồi thường, hỗ trợ đất lâm nghiệp và phần bổ sung do ảnh hưởng công trình hồ Tả Trạch; đồng thời, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách, đảm bảo chi trả tiền bồi thường cho người dân theo kế hoạch đã chỉ đạo.
Việc giải quyết bồi thường đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi để thực hiện công trình hồ Tả Trạch, nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân và giải quyết dứt điểm việc khiếu nại phức tạp, đông người, kéo dài.
Công trình hồ chứa nước Tả Trạch.
|
Thời gian tới, việc bồi thường, hỗ trợ bổ sung phải đảm bảo nguyên tắc, bồi thường, hỗ trợ theo diện tích đất lâm nghiệp thu hồi đã được phê duyệt; không bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất lâm nghiệp thu hồi vượt hạn mức và các trường hợp sử dụng đất giao sai đối tượng theo kết luận của thanh tra tỉnh.
Đối với diện tích đất lâm nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân trước đây vận động không đền bù, đồng ý chủ trương cho rà soát lại để áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho người có đất thu hồi. Rà soát lại các đối tượng không đủ điều kiện tại thời điểm kiêm kê để xử lý dứt điểm.
Đối với các mỏ vật liệu đã kiểm đếm nhưng chưa đền bù và không còn nhu cầu sử dụng thì không thu hồi, UBND thị xã Hương Thủy thông báo cho người dân để tiếp tục sử dụng và xây dựng phương án hỗ trợ thời gian ngừng sản xuất cho các hộ dân trình UBND tỉnh xem xét.
Đối với các khu vực, bãi phục vụ thi công hiện không sử dụng sản xuất nông lâm nghiệp được, thực hiện thu hồi để quản lý; đối với diện tích có thể tiếp tục sản xuất đất nông lâm nghiệp được thì rà soát diện tích để trả lại hoặc đổi lại cho dân và tính toán hỗ trợ thời gian ngừng sản xuất.
Dự án hồ Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên - Huế được phê duyệt gồm 2 hợp phần: hợp phần công trình (dự án Hồ Tả Trạch) và hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư (hợp phần đền bù).
Theo phương án đền bù được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt, tổng số vốn của dự án sử dụng để đền bù đất ở, đất nông nghiệp và tài sản trên đất; đối với đất lâm nghiệp, tỉnh có chủ trương "đất đổi đất" (dự kiến thu hồi đất lâm nghiệp của các lâm trường, các tổ chức để giao đền bù lại cho các hộ dân có đất rừng hợp pháp bị mất do triển khai dự án).
Tuy nhiên, đến nay tỉnh mới cấp được 324,4ha/1.342,8ha. Chủ trương "Đất đổi đất" không thực hiện được là do quỹ đất lâm nghiệp ở các lâm trường, tổ chức có hạn. Vì vậy, nhân dân trong vùng tái định cư đời sống gặp nhiều khó khăn, nhiều bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài.
Trên cơ sở rà soát, xem xét cắt giảm nguồn vốn của một số hạng mục chưa thực sự cần thiết phải đầu tư ngay của dự án hồ Tả Trạch để bố trí bổ sung xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án hồ Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên Huế, sớm ổn định dân cư, đưa toàn bộ công trình vào sử dụng phát huy hiệu quả dự án, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung hạng mục đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư (phần đền bù đất lâm nghiệp do địa phương quản lý) vào dự án hồ Tả Trạch do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Đồng thời sử dụng hơn 77 tỷ đồng trong 150 tỷ đồng dự phòng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung cho dự án hồ Tả Trạch theo Nghị quyết số 916/NQ-UBTVQH13 ngày 5/5/2015 để đầu tư cho hợp phần đền bù đất lâm nghiệp...