Theo đó, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 8 tuyến với chiều dài hơn 560 km; vùng Đồng bằng sông Hồng có 9 tuyến với chiều dài 135 km; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung có 14 tuyến với chiều dài hơn 700 km và vùng Tây Nguyên 4 tuyến với chiều dài hơn 200 km. Vùng Đông Nam Bộ có 14 tuyến với chiều dài hơn gần 700 km. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 17 tuyến với chiều dài hơn 640 km.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, hiện tổng chiều dài hệ thống quốc lộ là hơn 25.000 km. Sau khi bổ sung 66 tuyến đường địa phương quy hoạch thành quốc lộ với chiều dài gần 3.000 km, cộng với kéo dài hơn 1.700 km đường quốc lộ thì đến năm 2030 mạng lưới quốc lộ sẽ nâng lên gần 30.000 km.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Cường, chiều dài quốc lộ liên tục được bổ sung để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trung bình cả giai đoạn khoảng là 2,3%/năm; trong đó, giai đoạn 1997 - 2012 (trước khi hình thành Quỹ bảo trì đường bộ) tăng khoảng 1,46%/năm và giai đoạn 2012 - 2018 tăng khoảng 4,6%/năm.
Hệ thống quốc lộ được hoạch định cụ thể các tuyến chính yếu và thứ yếu đảm bảo định hướng cho quản lý, đầu tư xây dựng phù hợp với nhu cầu vận tải và sự cần thiết của từng tuyến đường; phát huy tối ưu tính kết nối năng động của mạng lưới đường bộ với hệ thống giao thông địa phương, các phương thức vận tải khác và quy hoạch liên quan.
Quy hoạch mới lần này cũng chuyển hơn 650 km quốc lộ không đủ tiêu chí, chỉ phục vụ giao thông địa phương, giao thông nội vùng thành đường địa phương - ông Cường cho hay.
Thực tế phát triển kinh tế - xã hội, nhiều tuyến đường đã được các địa phương đầu tư, đáp ứng đầy đủ tiêu chí quốc lộ theo Luật Giao thông đường bộ. Trên cơ sở đề xuất của địa phương, quy hoạch cũng bổ sung các tuyến đường địa phương đáp ứng đầy đủ tiêu chí nâng lên thành quốc lộ.
“Hệ thống quốc lộ sau khi quy hoạch đáp ứng được mục tiêu của quy hoạch, kế thừa các nghiên cứu trước đây và bổ sung khu vực còn khuyết thiếu, khu vực có phát sinh khu kinh tế, công nghiệp, du lịch… đảm bảo hỗ trợ cho hệ thống đường cao tốc làm tốt nhiệm vụ của mạng lưới đường bộ quốc gia" - ông Cường chia sẻ.
Về tiêu chí quốc lộ, Luật Giao thông đường bộ quy định, quốc lộ là tuyến đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ 3 địa phương trở lên; đường nối liền cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế cửa khẩu chính trên đường bộ.
Quốc lộ cũng là tuyến đường có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; đồng thời, đảm bảo mật độ đường quốc gia các khu vực phù hợp với điều kiện tự nhiên, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.