Tăng kim ngạch xuất khẩu
Theo Bộ Công Thương, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Riêng thu ngân sách nhà nước có thể sẽ được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn.
Bên cạnh các tác động chung tới các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế (các chỉ số kinh tế vĩ mô), Hiệp định có các tác động khác nhau đối với các ngành do mức độ mở cửa, lợi thế cạnh tranh, năng lực của từng ngành là khác nhau. Ngoài ra, tác động gián tiếp thông qua sức ép cải cách thể chế cũng sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế.
Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Kết quả tính toán chỉ ra rằng Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57 - 5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07 - 7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).
Về xuất khẩu, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, dự kiến kim ngạch của ta sẽ tăng trung bình 5,21 - 8,17% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 11,12 - 15,27% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 17,98 - 21,95% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).
Cụ thể, với ngành thủy sản, Hiệp định EVFTA sẽ đem lại tiềm năng thị trường lớn cho xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều khó khăn cả ngắn và dài hạn (chủ động được nguồn nguyên liệu, con giống, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, giải quyết vấn đề hóa chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản) và hàng rào phi thuế quan khá cao từ EU là những thách thức rất lớn.
Dự kiến, xuất khẩu mặt hàng này vào EU sẽ tăng với tốc độ trung bình 2%/năm trong giai đoạn 2020 - 2030, trong khi nhập khẩu từ EU có thể tăng cao hơn (trong khoảng 2,8% - 5%).
Với ngành dệt may, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định. Về sản lượng, nhìn chung Hiệp định EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030.
Với ngành da giày, Bộ Công Thương nêu rõ: Hiệp định khi có hiệu lực sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể xuất khẩu giày da vào EU. Tốc độ tăng xuất khẩu vào EU dự báo sẽ gấp đôi vào 2025 và tổng xuất khẩu giày da cũng sẽ tăng khoảng 34%, sản lượng của toàn ngành tăng ở mức 31,8%.
Với ngành điện tử, máy vi tính, theo biểu thuế hiện hành của EU thì thuế nhập khẩu đối với mặt hàng máy tính điện tử (máy vi tính), sản phẩm điện tử (hàng tiêu dùng cuối cùng) hầu hết có thuế suất bằng 0%, hoặc thuế suất dưới 10% nên khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ tác động không đáng kể tới xuất khẩu từ Việt Nam.
Việt Nam là nước nhập khẩu lớn đối với mặt hàng máy móc thiết bị, trong khi đó EU là nước có thế mạnh về mặt hàng máy móc thiết bị và là thị trường nhập khẩu lớn thứ tư của Việt Nam đối với mặt hàng này. Do vậy, việc Việt Nam dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với mặt hàng máy móc thiết bị từ EU sẽ thúc đẩy tăng nhập khẩu và có thể giảm ở các thị trường khác do tác động chuyển hướng thương mại. Do máy móc thiết bị của EU có công nghệ cao hơn một số thị trường truyền thống khác nên điều này có thể tạo cơ hội để Việt Nam cải thiện công nghệ sản xuất trong nước.
Thu hút FDI chất lượng cao
Bộ Công Thương cho rằng, Hiệp định EVFTA cũng là động lực để thu hút FDI từ EU và các nước khác vào Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển và chiến lược thu hút FDI của Việt Nam tập trung vào phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao.
Các cam kết rộng và sâu về đầu tư của Hiệp định EVFTA sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam.
Đặc biệt, với Hiệp định EVFTA, đầu tư từ các đối tác có nguồn gốc từ các các nước phát triển sẽ tăng do Việt Nam tăng cường mở cửa thị trường hàng hóa cũng như dịch vụ cho các doanh nghiệp EU. Điều này sẽ tạo ra những động lực mới cho dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, với EVFTA, cơ cấu dòng vốn FDI vào những lĩnh vực đầu tư còn dư địa lớn tại Việt Nam và EU cũng có thể mạnh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ là cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
“Chúng tôi kỳ vọng rằng dần dần các doanh nghiệp sẽ nhận ra tiềm năng của các thị trường này, nhất là với các doanh nghiệp nước ngoài nhận thấy Hiệp định này là cơ hội lớn để thúc đẩy xuất khẩu. Khi đó dệt may Việt Nam sẽ thu hút được đầu tư, nhất là vào những mắt xích Việt Nam còn yếu. Lúc đó chúng ta sẽ dần xây dựng được một hệ sinh thái dệt may, dần tự chủ được nguyên phụ liệu đầu vào, mới thực sự khẳng định Việt Nam hưởng lợi được từ những Hiệp định này hay không. Thêm vào đó, muốn được hưởng các ưu đãi về thuế của bất kỳ Hiệp định thương mại tự do nào thì nhà xuất khẩu cần thỏa mãn quy tắc xuất xứ, với EVFTA từ vải trở đi và CPTPP là từ sợi trở đi, do đó điều kiện cần và đủ là xây dựng được một chuỗi cung hoàn chỉnh”, ông Hiếu cho biết.
Dù được nhìn nhận mở ra không ít cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho nhiều ngành hàng của Việt Nam, tuy nhiên trên thực tế EVFTA không phải là “mâm cỗ” bày sẵn.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đánh giá: Khi Việt Nam thông thương với một trong những thị trường lớn và có năng lực cạnh tranh cao như EU, một số ngành kinh tế sẽ phải cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng. Ngoài ra, đây là thị trường có yêu cầu đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm, đồng thời đòi hỏi về cả quy trình sản xuất ra những hàng hóa đó như thế nào…
Còn chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng nhìn nhận: Với Hiệp định EVFTA, thách thức nổi cộm là hàng rào kỹ thuật trong thương mại ở thị trường EU rất khắt khe. Thậm chí có những hàng rào kỹ thuật tưởng như không thể vượt qua được như xử lý chất thải điện tử, rác thải điện tử...
“Yêu cầu khắt khe trong việc đưa được hàng hoá và dịch vụ vào thị trường EU đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi lại cách quản lý, đánh giá chất lượng… Ngoài ra, ở EU rất hay cập nhật hàng rào kỹ thuật. Do vậy, việc cập nhật hàng rào kỹ thuật cho từng mặt hàng xuất khẩu vào EU rất quan trọng, doanh nghiệp phải lưu ý. Điều này cũng đòi hỏi sự hỗ trợ hơn nữa từ phía hiệp hội, ngành hàng, các cơ quan quản lý nhà nước…”, chuyên gia Phạm Tất Thắng lưu ý.