EVFTA: Nâng tầm cho gạo Việt

Theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu-EU (EVFTA), EU cấp hạn ngạch cho Việt Nam 80.000 tấn gạo/năm, thuế suất 0%; trong đó có 30.000 tấn là gạo thơm các loại. Số lượng này không lớn so với trên dưới 6,5 triệu tấn gạo/năm mà Việt Nam xuất ra thị trường thế giới.

Chú thích ảnh
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: TTXVN

Nhưng xét về giá trị lâu dài, cánh cửa EVFTA sẽ nâng tầm cho gạo Việt Nam. Có thể xem thị trường EU là điểm khởi phát để gạo Việt Nam đi vào các thị trường chất lượng cao khác. Mới đây đã có những lô hàng đầu tiên sang châu Âu theo hiệp định EVFTA. Đây cũng chính là tín hiệu tốt cho thấy triển vọng xuất khẩu của gạo Việt Nam sang các thị trường chất lượng cao và cũng cơ hội để Việt Nam nâng tầm cho thương hiệu gạo.

Tuy nhiên, để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn EU đề ra, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Đặc biệt là bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc hạt gạo, tập trung xuất khẩu các loại gạo thuộc phân khúc chất lượng cao, gạo thơm, gạo đặc sản để có mức giá tốt. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xoay quanh vấn đề này. 

Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của ngành hàng lúa gạo thời gian qua?

Hàng năm, trên toàn thế giới sản xuất khoảng 500 triệu tấn lúa gạo; trong đó lượng gạo mà các nước nhập khẩu khoảng 45 triệu tấn. Việt Nam là một trong những nước cường quốc về sản xuất cũng như xuất khẩu gạo. Đây là một sản phẩm thế mạnh của ngành nông nghiệp Việt Nam.  Riêng năm 2019, Việt Nam xuất khẩu khoảng trên 6,3 triệu tấn.

Theo Hiệp định EVFTA, EU cấp hạn ngạch cho Việt Nam xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm với thuế suất 0%. Số lượng tuy chưa phải là nhiều nhưng nhiều ý kiến cho rằng sẽ mở ra cánh cửa nâng tầm chất lượng gạo của Việt Nam. Ông nhận định thế nào về vấn đề này ra sao?

Đây là một tín hiệu rất đáng mừng đối với ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam nói chung và đặc biệt là ngành sản xuất lúa gạo trong bối cảnh nỗ lực chung của Chính phủ,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành tái cơ cấu đối với nền sản xuất nông nghiệp và đặc biệt là tái cơ cấu trong chuỗi sản xuất lúa gạo.

Việc EU cho phép Việt Nam đưa sản phẩm lúa gạo vào thị trường của khu vực này là tín hiệu mừng, ghi dấu ấn sự nỗ lực phấn đấu của ngành nông nghiệp nói chung và đặc biệt là nông dân tiến tới cung cấp sản phẩm cho thị trường có những yêu cầu, rào cản kỹ thuật chất lượng cao.

Để tận dụng ưu đãi từ EVFTA, mới đây Chính phủ vừa ban hành Nghị định 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu. Ông đánh giá thế nào về khả năng đáp ứng tiêu chuẩn EU của các doanh nghiệp Việt Nam?

Đây là một hành động rất quyết liệt của Chính phủ. Mặc dù chỉ có 80 nghìn tấn vào thị trường EU nhưng Nghị định 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu quy định về những điều kiện cho người sản xuất, cho doanh nghiệp để tham gia vào thị trường khó tính này.

Có thể nhận thấy đây là hành động đồng hành cùng với người sản xuất. Chính vì vậy câu chuyện này đang trở thành một phong trào trong sản xuất lúa gạo theo những tiêu chuẩn của EU và người nông dân hoàn toàn có thể đáp ứng như tiêu chuẩn khó khăn nhất.

Việc các cơ quan chức năng sẵn sàng đồng hành từ người sản xuất đến doanh nghiệp thể hiện đúng tinh thần chúng ta vào cuộc để tiến tới khẳng định là một thương hiệu gạo đáp ứng được các tiêu chuẩn mang tính chất toàn cầu của Việt Nam.

Được đánh giá là có những thành công trong quá trình tái cơ cấu, tuy nhiên ngành hàng lúa gạo hiện vẫn còn những tồn tại nhất định trong khâu sản xuất, chế biến cũng như tiêu thụ. Theo ông,chúng ta cần những giải pháp gì để ngành hàng lúa gạo phát triển và cạnh tranh bền vững?

Mặc dù đối với sản xuất lúa gạo đang là thế mạnh của Việt Nam nhưng trên thực tế chúng ta cũng mới thực sự đi vào những thị trường có những yêu cầu chất lượng cao. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra trước mắt chúng ta cần phải có những giải pháp rất cụ thể cho sản xuất lúa gạo.

Tôi cho rằng việc đầu tiên là chúng ta phải đồng bộ hóa từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ và trở thành những chuỗi liên kết thực sự trong sản xuất lúa gạo.

Khi đã nói đến chuỗi liên kết thị trường chúng ta phải có được quy hoạch tổng thể cho sản xuất lúa gạo bắt đầu bằng việc xây dựng những vùng nguyên liệu và từ vùng nguyên liệu sẽ có những chuỗi gắn kết trực tiếp giữa người sản xuất, với doanh nghiệp và thể hiện được vai trò, trách nhiệm với nhau trong một chuỗi liên kết chặt.

Chúng ta có thế mạnh từ hệ thống chính trị, hệ thống các lực lượng vào cuộc đồng bộ, đồng hành cùng các lực lượng sản xuất và doanh nghiệp từ đó sẽ trở thành những liên kết bền vững.

Tôi cho rằng chỉ khi có một sự liên kết bền vững và đồng bộ thì thương hiệu gạo của chúng ta mới phát triển bền vững, không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Đức Minh/TTXVN (Thực hiện)
24 thương nhân không xuất khẩu gạo trong suốt 18 tháng
24 thương nhân không xuất khẩu gạo trong suốt 18 tháng

24 thương nhân có trụ sở chính tại 12 tỉnh, thành phố không xuất khẩu gạo trong 18 tháng liên tục. Theo quy định, các thương nhân này sẽ bị rút giấy chứng nhận nhưng vì dịch COVID-19 nên Bộ Công Thương không tính thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch vào 18 tháng theo quy định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN