Hội đồng Châu Âu cấp Ngoại trưởng thông qua quyết định kéo dài hiệu lực các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng, đến ngày 31/1/2016.
Cơ quan đối ngoại EU nêu rõ quyết định này được thông qua mà không cần thảo luận, nhằm bảo đảm sự thực thi các thỏa thuận Minsk về Ukraine. Quyết định thực tế đã được thông báo trước khi các ngoại trưởng EU nhóm họp tại Luxemburg ngày 22/6, trong khi thỏa thuận về việc gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga giữa 28 nước EU đã đạt được tại cuộc họp của Ủy ban đại diện thường trực EU ngày 17/6.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU đối với Nga gồm hạn chế trong việc cấp tín dụng cho các ngân hàng nhà nước của Nga, các xí nghiệp quốc phòng và công nghiệp dầu. Ngoài ra, EU cũng hạn chế cung cấp cho Nga các vũ khí, kỹ thuật và công nghệ quân sự cũng như các thiết bị công nghệ cao, công nghệ khai thác dầu.
Các biện pháp trừng phạt này không áp dụng đối với lĩnh vực công nghiệp khí đốt của Nga.
Hội nghị thượng đỉnh EU tháng 3/2015 đã thông qua tuyên bố chính trị về ý định kéo dài các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng. Theo các nguồn tin ngoại giao, quyết định kéo dài lệnh trừng phạt đối với Nga đến hết tháng 1/2016 cũng có nghĩa là EU sẽ có một tháng sau khi thỏa thuận ngừng bắn Minsk (mà nhóm "Bộ Tứ Normandy" gồm Ukraine, Nga, Pháp và Đức đạt được vào tháng Hai vừa qua tại Belarus) hết hạn để đánh giá lại tình hình ở miền Đông Ukraine trước khi có quyết định mới.
EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga ngày 1/8/2014 do điều mà EU gọi là "vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine" và gia tăng các biện pháp trên hồi tháng 9/2014. Tháng 10/2014, với các quyết định riêng rẽ Hội đồng EU đã loại bỏ một phần các hạn chế về tín dụng đối với một số chi nhánh châu Âu của các ngân hàng nhà nước Nga.