EPR - thúc đẩy chuyển đổi xanh - Bài cuối: Cơ hội phát triển ngành công nghiệp tái chế

Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, ước tính, Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD/mỗi năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt.

Còn chất thải hữu cơ ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế. Vì vậy trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra giải pháp hiệu quả về tài chính cho xử lý vấn đề chất thải, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế.

Doanh nghiệp chủ động thực thi EPR

Chú thích ảnh
Bãi thu gom rác thải nhựa để tái chế. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ về mức độ sẵn sàng thực hiện chính sách EPR. Việc khảo sát được thực hiện thông qua gửi phiếu câu hỏi và phỏng vấn trực tiếp, trực tuyến bao gồm các doanh nghiệp nhựa, bao bì, doanh nghiệp tái chế nhựa phế liệu và doanh nghiệp tiêu thụ bao bì nhựa…

Kết quả khảo sát cho thấy, 93,55% doanh nghiệp có nhận thức ban đầu và đầy đủ về trách nhiệm thu gom, tái chế và xử lý chất thải. Hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tạo dựng hình ảnh thân thiện hơn với khách hàng.

Ông Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và Môi trường nhận định, thực hiện EPR chính là một hình thức để doanh nghiệp thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội tích cực của mình.

Công ty Cổ phần Giấy HKB - Hoa Lư tại Cụm Công nghiệp Văn phong, huyện Nho Quan là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Ninh Bình có tên trong danh sách hơn 50 đơn vị đủ năng lực thực hiện tái chế bao bì do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố. Ông Giang Văn Ánh, Tổng giám đốc Công ty cho biết, Công ty có năng lực sản xuất 150.000 tấn sản phẩm/năm, tương ứng với nguồn đầu vào 170.000 tấn/năm. Hệ thống nhà xưởng, dây chuyền sản xuất của công ty hoàn toàn có thể thực hiện các hợp đồng tái chế của các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu.

Việc được Bộ Tài nguyên và Môi trường công nhận đủ năng lực tái chế sản phẩm bao bì là cơ hội lớn để công ty phát triển sản xuất cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Công ty Cổ phần tái chế bao bì - PRO Việt Nam (thuộc Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam) là đơn vị duy nhất được Bộ Tài nguyên và Môi trường chứng nhận được ủy quyền tổ chức tái chế bao bì. Đây được xem là đơn vị trung gian giúp các doanh nghiệp thực hiện EPR. Bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành PRO Việt Nam cho biết, năm 2024, PRO Việt Nam sẽ tổ chức thu gom, tái chế 70.000 tấn bao bì đã qua sử dụng cho các doanh nghiệp thuộc liên minh. 

PRO Việt Nam đã xây dựng được kênh thu gom đối với một số loại bao bì như vỏ hộp sữa, bao bì nhựa, đồng thời làm việc trực tiếp với các đơn vị tái chế để tận dụng các kênh thu gom của họ. Đối với khâu tái chế, PRO Việt Nam đã ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp có giấy phép tái chế uy tín, công nghệ hiện đại để tái chế các loại bao bì, sản phẩm đã thu gom; thực hiện chế độ báo cáo đúng quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong tương lai, Công ty sẽ mở rộng đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp khác trong việc thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu.

Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (Packaging Recycling Organization Vietnam – PRO Việt Nam) là tổ chức tiên phong phi lợi nhuận được thành lập từ năm 2019. Hiện liên minh có 30 thành viên là các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì, bán lẻ, tái chế và nhập khẩu.

PRO Việt Nam mong muốn góp phần vì một Việt Nam xanh - sạch - đẹp bằng cách thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc cải thiện quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm trở nên dễ tiếp cận và bền vững hơn. PRO Việt Nam kỳ vọng năm 2030, tất cả bao bì sản phẩm do các thành viên trong Liên minh đưa ra tiêu thụ trên thị trường đều được thu gom và tái chế.

Hướng đến nền kinh tế xanh

Theo các chuyên gia, EPR không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Thế Chinh cho rằng, thực hiện EPR sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của đối tác. Nhiều doanh nghiệp sẽ có đột phá trong thiết kế sản phẩm như dễ tái chế, thân thiện hơn với môi trường hay ngay cả sản phẩm không cần phải thu hồi tái chế. Điều này sẽ giảm đi một khối lượng chất thải thải ra môi trường, chấm dứt khai thác tài nguyên quá mức, thúc đẩy bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh.

Với mục tiêu trở thành “một trong những doanh nghiệp tái chế rác thải nhựa lớn nhất Đông Nam Á và thế giới”, Công ty Cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân (DUYTAN Recycling) đã thu gom khoảng 180 tấn rác thải nhựa (tương đương khoảng 12 triệu chai nhựa)/ngày để tái chế, làm ra những chai đựng nước uống. Doanh nghiệp đã xuất khẩu 60% sản lượng hạt nhựa tái chế của mình sang Mỹ và châu Âu.

Ông Lê Anh - Giám đốc Phát triển bền vững của DUYTAN Recycling khẳng định, EPR chính là lợi thế cạnh tranh quốc gia, là “chứng chỉ xanh” để doanh nghiệp có thể xuất khẩu sang các thị trường lớn và tiêu chuẩn cao, từ đó tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các chuyên gia kinh tế, môi trường đều có chung đánh giá ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam còn non trẻ, chúng ta không có nhiều nhà tái chế lớn có công nghệ hiện đại. Hoạt động tái chế hiện nay chủ yếu được thực hiện ở các làng nghề, rất ô nhiễm và có thể nói là vi phạm pháp luật môi trường. Với chính sách EPR ngành tái chế đang đứng trước cơ hội lớn chưa từng có để phát triển khi được tiếp nhận nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động tái chế.

Dù doanh nghiệp sản xuất lựa chọn hình thức tái chế nào thì dòng tiền cũng sẽ chảy về nhóm doanh nghiệp thu gom, tái chế rác thải. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Thế Chinh chỉ có công nghệ tái chế tiên tiến, hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường mới là đối tượng được hưởng lợi từ chính sách EPR.

Theo quy định, doanh nghiệp tái chế có đủ năng lực, điều kiện mới được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, sau đó các nhà sản xuất mới được ký hợp đồng với doanh nghiệp tái chế. Vì vậy các doanh nghiệp tái chế phải thay đổi công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường. Các nhà tái chế nhỏ lẻ, ít tiềm lực để áp dụng công nghệ tiên tiến có thể liên kết lại với nhau để lớn mạnh hơn.

Là một trong 4 doanh nghiệp của tỉnh Bắc Ninh đủ năng lực thực hiện tái chế theo danh sách được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, Công ty Cổ phần môi trường Thuận Thành (thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) tái chế bao bì nhôm, nhựa để sản xuất phôi nhôm, hạt nhựa làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp.

Ông Đoàn Văn Hữu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, với công suất tái chế phôi nhôm 70 tấn/ngày, công suất tái chế nhựa 50 tấn/ngày, công ty cần nguồn nguyên liệu lớn, ổn định và có thể cung cấp lâu dài. Hiện lượng lớn phế liệu ở khu dân sinh được thu gom bởi những người làm ve chai, đồng nát sau đó chuyển về các làng nghề. Với việc thực hiện EPR, những thông tin về doanh nghiệp sẽ được lan tỏa, người dân sẵn sàng bán phế liệu cho công ty. Khi doanh nghiệp và người dân hợp tác lâu dài sẽ thuận lợi cho hoạt động của công ty, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Ông Giang Văn Ánh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giấy HKB - Hoa Lư cũng chia sẻ, thời gian đầu mới đi vào hoạt động, 80% nguyên liệu đầu vào của công ty chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ, Nhật... Đầu năm 2024, Công ty đã nâng tỷ lệ nguồn nguyên liệu trong nước lên 40%, cao điểm lên 45%/tháng. Vì vậy Công ty cũng rất mong muốn ký hợp đồng với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp có khả năng tự thu gom, phân loại. Khi cả hai bên cùng đạt được mục tiêu sẽ góp phần thiết thực nâng tỷ lệ nguyên liệu tái chế. 

Theo ông Nguyễn Thế Chinh, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng công cụ EPR. Đây là một bước tiến dài, nỗ lực đáng kể của quốc gia trong việc giữ gìn nguồn tài nguyên cho thế hệ mai sau. Để đảm bảo EPR được thực hiện thành công, đầu tiên là ý thức chấp hành của doanh nghiệp, nhận thức đúng sẽ có hành động đúng. Bên cạnh đó, khâu thu gom và tái chế phải luôn đi liền với nhau.

Thực thi EPR sẽ góp phần khuyến khích các doanh nghiệp tái chế sử dụng nguồn rác thải có thể tái chế trong nước. Về lâu dài, khi nguồn nguyên liệu này được “bao” đầu ra sẽ hạn chế thấp nhất đưa ra các bãi rác hay vào các làng nghề. Một yếu tố nữa là cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tái chế, nhất là đầu ra cho các sản phẩm tái chế.

Để ngành công nghiệp tái chế Việt Nam "cất cánh" cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để người dân ủng hộ sản phẩm tái chế, ban hành bộ tiêu chuẩn để ưu tiên các sản phẩm tái chế ngoài thị trường.

Hoàng Vân  (TTXVN)
Thí điểm thu gom và tái chế rác thải nhựa bằng bẫy rác của Hà Lan
Thí điểm thu gom và tái chế rác thải nhựa bằng bẫy rác của Hà Lan

UBND thành phố Cần Thơ vừa có quyết định phê duyệt khoản viện trợ phi dự án “Thí điểm cải thiện việc thu gom rác thải nhựa đại dương bằng bẫy rác và thiết lập hệ thống tái chế địa phương tại Cần Thơ” do Tổ chức Recycled Island Foundation - Clear Rivers của Hà Lan tài trợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN