Theo ông Hoạch, đơn cử, từ khi cao tốc Nội Bài-Lào Cai thông tuyến, lượng khách đi trên hành trình này đã giảm 50%. Hay khi Quốc lộ 1 hoàn thành nâng cấp, mở rộng, vận tải đường sắt bị cạnh tranh khốc liệt hơn. Chưa kể, các hãng hàng không vé rất rẻ như Jetstar, Vietjet, thậm chí Vietnam Airlines đều đang lấy đi nhiều thị phần vận tải của đường sắt.
Ngành Đường sắt phải đổi mới chuyên nghiệp để phát triển. Ảnh Mạnh Linh -TTXVN |
Bên cạnh đó, sự cố sập cầu Ghềnh, ô nhiễm môi trường biển và bão lũ liên tiếp xảy ra tại khu vực miền Trung và Nam Trung bộ trong năm 2016 đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh vận tải của VNR. Đặc biệt, vốn đầu tư phát triển kết câu hạ tầng đường sắt năm 2016 rất hạn hẹp, nên các dự án mới chưa được triển khai. Ngoài ra, VNR đã đổi mới về tư duy và cách làm, nhưng chưa theo kịp thị trường, nên các giải pháp đề ra chưa mang lại kết quả như mong đợi, chưa tổ chức được vận chuyển từ kho đến kho, giá cước vẫn chưa cạnh tranh và phù hợp với thị trường…
“Trước sự cạnh tranh như vậy, để tồn tại phát triển, trong năm 2016, VNR đã phải hoạt động với phương châm “Thay đổi hay là không tồn tại”. VNR từ lãnh đạo đến người lao động đều nhìn nhận, nếu không thay đổi đường sắt sẽ rất khó khăn hoạt động và phát triển” ông Hoạch nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trao cờ thi đua cho các đơn vị vận tải xuất sắc năm 2016 |
Đồng thời, VNR cũng nâng cao chất lượng dịch vụ, rà soát các nút thắt để tập trung đầu tư, nâng cao năng lực thông quan, để tăng số đoàn tàu, cũng như tăng tải trọng với mục tiêu kinh doanh hiệu quả; tập trung xã hội hóa, cải tạo nâng cấp năng lực các nhà ga…
Mặc dù kết quả chưa được như mong đợi, nhưng năm 2016, VNR vẫn nỗ lực đạt doanh thu 8.338 tỷ đồng (đạt 88,8%), lợi nhuận sau thuế dự kiến 137 tỷ đồng, tỷ lệ tàu tàu đi đúng giờ đạt 98,5%... Tổng công ty đã thực hiện thoái vốn tại 30 công ty với mệnh giá là 204,3 tỷ đồng.
Năm 2017, VNR đề ra mục tiêu sản lượng và doanh thu đạt mức tăng trưởng 8% trở lên, lợi nhuận sau thuế 138 tỷ đồng; đồng thời thực hiện kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông đường sắt, phấn đấu giảm so với năm 2016 giảm từ 5 - 7% ở cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người bị chết và số người bị thương; không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, giảm ít nhất 5% tai nạn chạy tàu nghiêm trọng, ít nghiêm trọng vầ 7% sự cố chạy tàu do chủ quan.
VNR cũng sẽ đẩy mạnh các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị phần, phát triển sản phẩm dịch vụ mới và nâng cao sản lượng, doanh thu vận tải hành khách, hàng hóa, tập trung tổ chức kinh doanh vận tải hàng hóa từ kho đến kho; điều hành vận tải theo đúng biểu đồ chạy tàu; tìm kiếm các đối tác để khai thác và tận dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt đặc biệt tại các ga lớn, trọng điểm về vận tải; lắp đặt cần chắn tự động cho các đường ngang còn lại, nâng cấp đường ngang theo hướng thay thế dần các đường ngang cảnh báo bằng biển báo, xóa bỏ lối đi dân sinh...
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, kiêm phụ trách Hội đồng thành viên VNR nhận định: Dù chưa đạt mục tiêu, nhưng sự điều chỉnh về kế hoạch sản lượng và doanh thu đã đưa doanh thu năm 2016 kịp về đích. Năm 2017, hạ tầng không có gì thay đổi nhiều, vốn cấp cho ngành Đường sắt khoảng 2.200 - 2.300 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp, bảo trì. Về vốn trung hạn, Bộ GTVT sẽ đề nghị ngân sách Nhà nước bố trí nâng cấp, cải tạo điểm nghẽn của ngành.
“Đường sắt vẫn chưa thể giảm sự cạnh tranh, đối đầu, vì sự tăng trưởng mạnh mẽ ngành Hàng không, Đường thủy, Đường bộ. Vì thế, ngành cần phải duy trì ổn định và hướng tới mục tiêu phát triển, khai thác tốt hạ tầng hiện hữu, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn chạy tàu. Ổn định có nghĩa là không tụt hậu” Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.