Đưa tôm nước lợ thành sản phẩm chiến lược

Chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, con tôm nước lợ (TNL) đang dần chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có kế hoạch đưa con tôm này trở thành sản phẩm chiến lược của ngành thủy sản.

Nhiều tiềm năng

Theo số liệu khảo sát của ngành thủy sản, diện tích thả nuôi TNL của cả nước hiện nay khoảng 608.000 ha và hầu hết tập trung ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hiện sản lượng TNL hàng năm hơn 600.000 tấn, đạt giá trị xuất khẩu hơn 3 tỉ USD, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản. Nhìn về tương lai, xuất khẩu TNL có khả năng sẽ đạt khoảng 6 tỉ USD và trở thành sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản.

Nuôi tôm nước lợ đem lại nhiều lợi nhuận cho nhà nông.

"Cùng với con tôm thẻ chân trắng đã được đầu tư nuôi bằng biện pháp thâm canh cao, tôm sú quảng canh vẫn chưa cho năng suất như mong muốn. Riêng con tôm sú đang là mặt hàng mà Việt Nam gần như độc quyền trên thị trường thế giới và là đối tượng nuôi còn dư địa phát triển vô cùng lớn", ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhận định.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho biết thị trường đang hướng tới sử dụng các sản phẩm tôm đã qua chế biến. Việt Nam là nước có tỷ trọng xuất khẩu hàng giá trị gia tăng cao nhất và năng lực chế biến của các doanh nghiệp trong nước đủ đáp ứng thị trường thế giới. Tại các thị trường trọng điểm như châu Âu, Nhật Bản... xu hướng tiêu thụ tôm chế biến đang gia tăng và các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế của mình để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường cũng như gia tăng thị phần so với các nước khác.

"Nếu so sánh với các đối thủ của ta, chẳng hạn như Ấn Độ hàng chế biến chỉ chiếm 3%, Indonesia khoảng 2%, Ecuador chỉ hơn 1%... tôm đã qua chế biến của các doanh nghiệp trong nước chiếm tới gần 40% tổng giá trị xuất khẩu. Ngoài lợi thế về tôm thẻ chân trắng, Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú và vì vậy tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong việc cung ứng nguồn tôm cho thế giới là rất lớn", ông Quang nói thêm.

Tăng sức cạnh tranh

Dù có nhiều tiềm năng, thế nhưng theo các chuyên gia kinh tế, nhìn vào thực tế TNL Việt Nam vẫn đang bị áp lực cạnh tranh, đặc biệt về giá so với nhiều nước khác như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan... Khảo sát của ngành thủy sản cho thấy giá tôm Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước bạn từ 1 - 2 USD/kg. Nguyên nhân được cho là do chuỗi sản xuất của con TNL từ nuôi trồng cho đến sản xuất vẫn còn nhiều bất cập, chi phí cao mà không dễ giải quyết “một sớm một chiều”. Các chuyên gia trong ngành cho hay, nếu con TNL hạ được giá thành sản xuất cũng như giá thành sản phẩm, vấn đề "về đích" trong cuộc cạnh tranh trên thương trường quốc tế sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Theo ông Nguyễn Hữu Điền, để phát triển con TNL, Tổng cục Thủy sản đã xây dựng kế hoạch hành động về phát triển tôm nuôi nước lợ, trong đó chú trọng kế hoạch cụ thể việc tăng sản lượng TNL bao nhiêu, cũng như phương thức nuôi và triển khai ở địa phương nào cho phù hợp. Trước đó, ngành đã tổ chức rà soát chặt chẽ về chất lượng con giống, nhất là những đơn vị, các cơ sở sản xuất giống, nhập khẩu giống tôm bố mẹ và công khai trên trang thông tin điện tử của ngành, đồng thời tăng cường kiểm tra chất lượng về sản xuất giống. Ngay trong 6 tháng cuối năm nay, Tổng cục Thủy sản sẽ tăng cường phổ biến quy trình nuôi an toàn, tập huấn, mở rộng kênh tuyên truyền chuyên sâu cho người nuôi. Riêng Cục Thú y sẽ kiểm soát chặt vật tư, nhất là kháng sinh trên thủy sản.

"Dù có kim ngạch xuất khẩu ấn tượng nhưng hai khâu quan trọng nhất là giống và thức ăn chăn nuôi chúng ta lại phụ thuộc hầu hết vào các doanh nghiệp nước ngoài. Bộ đã có chủ trương kết hợp với các ngành chức năng sẽ đưa TNL vào mặt hàng chiến lược quốc gia. Theo đó, kế hoạch của Bộ là sẽ xây dựng con tôm Việt Nam không chỉ dừng lại ở khâu nuôi mà xuyên suốt cả ngành công nghiệp từ khâu sản xuất tôm giống, chăn nuôi cho tới chế biến và những vật tư đầu vào như thức ăn, con giống, thiết bị chế biến phụ trợ... từ đó hạ giá thành, tăng sức mạnh cạnh tranh", ông Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Quyết định số 5528/QĐ - BNN - TCTS về việc phê duyệt quy hoạch nuôi TNL đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, đến năm 2020, phấn đấu 100% tôm giống thương phẩm bao gồm: sú, thẻ chân trắng đạt chất lượng, sạch bệnh và sản xuất tại các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 50%. Tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ toàn vùng đạt 700.000 - 825.000 tấn; trong đó tôm sú đạt 350.000 - 375.000 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 350.000 - 450.000 tấn. Giá trị xuất khẩu đạt 4 tỷ USD, thu hút nguồn lực lao động khoảng 1.200.000 người.


Bài và ảnh: Lê Nghĩa
Cuộc “tranh hùng” giữa con tôm và cây lúa ở Kiên Giang
Cuộc “tranh hùng” giữa con tôm và cây lúa ở Kiên Giang

Sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt, nông dân huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang tập trung vào sản xuất vụ lúa hè thu, với quyết tâm nâng cao năng suất, sản lượng để bù đắp lại những thiệt hại do thiên tai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN