Hàng Việt đã chiếm tỷ lệ cao ở kênh phân phối hiện đại nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống ở thị trường nông thôn và chợ truyền thống. Do đó, để tiếp tục triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước nên quan tâm hơn đến đưa hàng Việt về thị trường nông thôn và vào các chợ truyền thống.
Theo Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sản xuất kinh doanh (BSA) Vũ Kim Hạnh, thị trường nông thôn rất “khát” hàng Việt, nhưng việc triển khai bán hàng về nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều DN e ngại thị trường nông thôn vì tuy có dân số đông nhưng mức chi tiêu còn hạn chế, thiếu kênh phân phối hàng hóa chuyên nghiệp...
Triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay BSA đã tổ chức được 75 phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Năm 2012, BSA đã ký kết với tất cả các tỉnh ở miền Đông và miền Tây Nam bộ để tiếp tục đưa hàng Việt về nông thôn. Năm 2012, BSA dự kiến bắt đầu xây dựng những cửa hàng thuần túy bán hàng Việt tại vùng sâu vùng xa. Cùng với phát triển mạng lưới phân phối, BSA sẽ đào tạo cho người bán hàng tại nông thôn về trưng bày, giới thiệu sản phẩm và hướng dẫn người quản lý theo dõi quá trình kinh doanh.
Bên cạnh đó, ở các khu vực Nam bộ, có nhiều tỉnh đang triển khai xây dựng mô hình những cánh đồng mẫu lớn. BSA cũng đang xúc tiến chuẩn bị những điểm bán hàng Việt lớn trên những cánh đồng mẫu lớn này chung với các điểm sinh hoạt văn hóa của người dân. BSA cũng mạnh dạn đề nghị với Bộ Công Thương, nên đưa tiêu chí xây dựng các cửa hàng bán hàng Việt tại các chợ ở các xã nông thôn mới.
Nhiều ý kiến tham dự hội nghị cũng lưu ý đến việc phát triển việc bán hàng Việt tại các chợ truyền thống. Trong thời gian gần đây, TP.HCM đã tổ chức nhiều tuần lễ hàng Việt tại chợ truyền thống. Theo bà Vũ Kim Hạnh, việc đưa hàng Việt vào chợ truyền thống là rất cần thiết, vì kênh phân phối này chiếm tới 80% lượng hàng hóa lưu chuyển.
Ở chợ truyền thống hiện nay có hàng Việt nhưng nhận diện hàng Việt không tốt vì ba bên có mặt trong hoạt động này là người tiêu dùng, tiểu thương và nhà sản xuất có tâm lý không yên tâm khi kết nối với nhau. Qua khảo sát 52 chợ ở TP.HCM, BSA thấy rằng, cần kết nối giữa ba nhà ở trên. Vì, hiện nay, DN có thương hiệu mạnh thì sợ đưa hàng vào chợ truyền thống vì sợ bị coi là hàng chợ. Tâm lý này cũng cần phải thay đổi. Thứ hai, DN sợ tiểu thương xù nợ, tức là không thanh toán tiền đàng hoàng như khi cấp hàng cho các siêu thị.
Để giải quyết vấn đề này, theo bà Vũ Kim Hạnh, UBND các quận, huyện, ban quản lý các chợ phải đứng ra làm vai trò trung gian, kết nối các tiểu thương với các DN. Trong đó, ban quản lý các chợ phải giới thiệu được những tiểu thương gương mẫu, kinh doanh có uy tín với các DN để bán hàng Việt. Từ đó, tạo sức lan tỏa, buộc các tiểu thương khác cũng phải kinh doanh có uy tín và chú trọng kinh doanh hàng Việt. Huấn luyện cho các tiểu thương bán hàng Việt thực hiện nghiêm túc việc kinh doanh hàng Việt đúng chất lượng, giá bán, phong cách phục vụ tốt, biết quảng bá, tuyên truyền cho hàng Việt...
Trước những băn khoăn của người tiêu dùng về việc không biết mua hàng Việt ở đâu cho có uy tín thì BSA sẽ cùng với ban quản lý các chợ tổ chức gắn biển hiệu để nhận diện những cửa hàng, điểm kinh doanh bán hàng Việt có uy tín để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng đề xuất phải chú trọng mở rộng các kênh phân phối cho hàng Việt, trong đó nên chú trọng thị trường nông thôn và các chợ truyền thống. “Phải để hàng Việt thâm nhập vào mọi tầng lớp người tiêu dùng gồm người nông dân ở khu vực nông thôn, công nhân ở khu công nghiệp… Chợ truyền thống chiếm tỷ trọng bán lẻ cao nên chú trọng đào tạo bán lẻ cho tiểu thương chợ truyền thống để bán hàng Việt tốt hơn”, Thứ trưởng đề xuất.
Thu Hường