Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, mặc dù liên tục tổ chức các đợt đánh giá, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, đánh giá ngoài giờ vào buổi tối) cho học viên mới nhưng năm 2023, cả hệ thống mới bổ sung được khoảng 300 đăng kiểm viên mới.
Đến giai đoạn từ tháng 5/2024 mới bắt đầu có thêm đăng kiểm viên mới khác (mỗi tháng dự kiến có thêm khoảng 50 học viên đủ điều kiện để được đánh giá công nhận là đăng kiểm viên).
Tính đến hết năm 2024 và sang đầu năm 2025 mới có khoảng gần 650 đăng kiểm viên mới được công nhận, chưa thể bù đắp được số lượng đăng kiểm viên đã bị thiếu hụt trong thời gian vừa qua (khoảng 700 đăng kiểm viên).
Cục Đăng kiểm Việt Nam nhìn nhận, với số lượng lớn đăng kiểm viên có sai phạm bị đưa ra xét xử trong thời gian tới, sẽ có rất nhiều tỉnh, thành phố không thể đáp ứng được nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân và doanh nghiệp, trong khi việc đào tạo bổ sung lực lượng đăng kiểm viên đòi hỏi phải có thời gian do tính chất đặc thù của lĩnh vực đăng kiểm.
Do đó, để hạn chế thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và giúp cho các đăng kiểm viên mắc sai phạm nhẹ có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, lấy công chuộc tội, tiếp tục phục vụ cho lĩnh vực đăng kiểm, đồng thời, tháo gỡ khó khăn về nguồn thu cho các trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét cho phép các trung tâm đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên phải tạm đình chỉ trong thời gian 3 tháng theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP được tiếp tục hoạt động kiểm định lại ngay (nếu có kết quả đánh giá đạt yêu cầu) để phục vụ nhu cầu cấp thiết chính đáng của người dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng quá tải của các trung tâm đăng kiểm và các thiệt hại không đáng có cho xã hội.
Bên cạnh đó, cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên và cho phép tiếp tục làm việc đối với các đăng kiểm viên bị tòa án xét xử nhưng cho hưởng án treo không bị nghiêm cấm hành nghề….
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, sau gần 5 tháng triển khai Nghị định 30/2023/NĐ-CP đến nay, hoạt động kiểm định xe cơ giới cơ bản ổn định, không còn tình trạng ùn tắc, đáp ứng nhu cầu kiểm định xe của người dân và doanh nghiệp.
Đến nay, toàn quốc có 271/288 (chiếm khoảng 95%) trung tâm đăng kiểm với số dây chuyền đã được đầu tư là 510/536 dây chuyền (chiếm 95,15%) nhưng thực tế mới có 435/536 dây chuyền kiểm định đang hoạt động.
Thời gian vừa qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã rà soát, nghiên cứu, đánh giá số liệu cụ thể nhu cầu kiểm định xe của người dân ở các tỉnh, thành phố cũng như khả năng đáp ứng ở từng trung tâm đăng kiểm. Qua đó cho thấy, trong thời gian tới, nếu không chuẩn bị tốt, tình trạng ùn tắc có thể tiếp tục xảy ra.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện nay trên cả nước có 271 trung tâm đăng kiểm với 435 dây chuyền kiểm định đang hoạt động thì công suất phục vụ số lượng phương tiện đến kiểm định trung bình đạt yêu cầu tối thiểu một tháng 626.400 phương tiện (trong khi số lượng phương tiện kiểm định ở tháng cao nhất trong thời gian tới (tháng 7/2024) là 503.276 phương tiện.
Như vậy, với công suất kiểm định hiện nay thì hệ thống đăng kiểm xe cơ giới hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc trong các tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024.
Tuy nhiên, do việc phân bố mật độ các trung tâm đăng kiểm không đồng đều về mặt địa lý dẫn đến có chỗ thiếu, chỗ thừa nên dự báo trong thời gian sắp tới khi các phương tiện được tự động gia hạn kiểm định theo chu kỳ mới cùng với lượng phương tiện tạm dừng hoạt động trước đây thực hiện kiểm định trở lại sẽ khiến tình trạng ùn tắc có nguy cơ tái diễn tại 11 địa phương, gồm: Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Tp. Hồ Chí Minh và Trà Vinh.
Ngoài ra, hiện có khoảng 700 đăng kiểm viên tại các trung tâm đăng kiểm bị khởi tố; một số đơn vị hầu hết đăng kiểm viên bị khởi tố; trong đó, gần 300 đăng kiểm viên bị khởi tố, được tại ngoại, đã và đang tham gia hỗ trợ tích cực cho hoạt động kiểm định xe cơ giới, còn lại lượng lớn đăng kiểm viên khác xin nghỉ việc và tự ý bỏ việc. Những đăng kiểm viên này, thời gian tới khi vụ án được đưa ra xét xử, có bản án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới thì Cục Đăng kiểm Việt Nam buộc phải thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên (theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP).
Trong số 300 đăng kiểm viên bị khởi tố nêu trên đang làm việc tại 81 trung tâm đăng kiểm của 31 tỉnh, thành phố (không tính đến số lượng đăng kiểm viẻn bị khởi tố, tạm giam trong số 17 trung tâm đăng kiểm đang dừng hoạt động) khi bị đưa ra xét xử sẽ có 21 trung tâm đăng kiểm của 9 tỉnh, thành phố bị dừng hoạt động (tại: Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Hưng Yên, Nghệ An, Thái Nguyên và Tp. Hồ Chí Minh); trong đó, có những tỉnh, thành phố không còn trung tâm đăng kiểm hoạt động như Bắc Kạn, Hòa Bình và một số tỉnh, thành phố không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp như: Hà Nội, Nghệ An và Tp. Hồ Chí Minh.
Chưa kể, theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP trường hợp trung tâm đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ trong thời gian 12 tháng liên tục sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong thời gian 3 tháng. Như vậy, sẽ có 69 trung tâm đăng kiểm tại 24 tỉnh, thành phố buộc phải tạm dừng hoạt động và sẽ ùn tắc phương tiện đến kiểm định tại các địa phương này nếu không có phương án chủ động sắp xếp.
Trong đó có những tỉnh, thành phố không còn trung tâm đăng kiểm hoạt động như: Hòa Bình, Thái Bình hoặc còn rất ít trung tâm đăng kiểm hoạt động như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế.
Rà soát tất cả các trường hợp trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, cả nước có 31 tỉnh, thành phố có nguy cơ sẽ bị ùn tắc phương tiện đến kiểm định bao gồm: Bắc Kạn, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Tp. Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Gia Lai, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Nam, Sơn La, Thái Nguyên, Hải Dương, Đắc Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Hòa Bình và Tuyên Quang; trong đó, có những tỉnh không còn trung tâm đăng kiểm để hoạt động như: Bắc Kạn, Hòa Bình và Thái Bình.
Việc nguy cơ xảy ra ùn tắc phương tiện kiểm định tại 31 tỉnh, thành phố nêu trên thậm chí có thể tăng lên ở nhiều tỉnh, thành phố khác do phương tiện ở các địa phương bị ùn tắc, ùn ứ di chuyển đến địa phương không bị ùn tắc để kiểm định.
Chẳng hạn như vừa qua có một số địa phương như: Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái... mặc dù dư thừa năng lực kiểm định phương tiện của địa phương nhưng đã bị xảy ra tình trạng ùn tắc do lượng phương tiện kiểm định ở các địa phương khác bị ùn tắc di chuyển đến kiểm định.