Hai năm đầu thực thi Hiệp định EVFTA cũng là khoảng thời gian kinh tế thế giới và Việt Nam phải đối mặt với những biến động chưa từng có. Tuy nhiên, các số liệu thống kê vĩ mô cho thấy, EVFTA đã góp một phần quan trọng làm giảm nhẹ các tác động bất lợi, giúp quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU phát triển khả quan.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm thứ hai thực thi EVFTA (từ tháng 8/2021 – 7/2022), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 61,4 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực.
Những ưu đãi cắt giảm thuế quan theo EVFTA cũng góp phần đáng kể giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU đồng thời được tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao của EU.
Việt Nam đang đứng trước nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động xuất khẩu mở rộng thị trường sang EU, khi cả Việt Nam và EU đang đẩy mạnh phục hồi hậu đại dịch, tích cực nối lại các hoạt động kinh tế, giao thương. EVFTA cũng là ưu thế lớn của Việt Nam khi hiện mới chỉ có 4 quốc gia châu Á ký FTA với EU.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương đánh giá, dư địa xuất khẩu sang EU còn rất lớn. Thị phần của nhiều mặt hàng thế mạnh chiến lược của Việt Nam như thủy sản, rau quả là thế mạnh thì thị phần vẫn còn rất thấp, rau quả chỉ hơn 2-3%, thủy sản hơn 4%, kể cả may mặc chỉ 4% và đáng nói là doanh nghiệp hiện vẫn còn gia công khá nhiều.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI cho rằng, kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng nhưng tỷ trọng thị trường thấp.
“Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cứ 10 doanh nghiệp thì có 4 doanh nghiệp đã từng tận dụng được lợi ích nào đó từ hiệp định EVFTA, trong đấy có những lợi ích về xuất nhập khẩu. Như vậy, có 6/10 doanh nghiệp lại chưa từng được hưởng bất kỳ một lợi ích nào dù trực tiếp hay gián tiếp từ hiệp định này trong khi đây là thị trường rất tiềm năng và chúng ta có rất nhiều dư địa để tiếp tục phát triển”, bà Nguyễn Thị Thu Trang chỉ rõ.
Nguyên nhân theo bà Trang là vấn đề về việc kết nối, xúc tiến thương mại cho hàng hóa Việt Nam ở thị trường EU còn hạn chế và doanh nghiệp không biết có lợi ích gì từ EVFTA. “Cho nên có lẽ ở đây có vấn đề về nhận thức và vấn đề thông tin chúng ta đã làm được khá tốt nhưng hình như chưa đủ tốt, vẫn còn phải làm nữa”, bà Trang nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, nhu cầu nhập khẩu của EU là rất lớn về rau củ là rất lớn khi EU có khoảng 500 triệu dân nhưng nhu cầu nhập khẩu chiếm khoảng 45% nhu cầu về rau quả.
“Tuy nhiên, khi xuất khẩu sang Châu Âu thì có những khó khăn nhất định, yêu cầu của Châu Âu khắt khe về chất lượng, số lượng và phải thường xuyên và đều quanh năm. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải đảm bảo được nguồn nguyên liệu chuẩn, máy móc chế biến phải hiện đại và vấn đề thứ ba là con người, từ người quản lý đến người công nhân phải đảm bảo tiêu chuẩn”, ông Khuê nhận định.
Để thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng tốt hiệp định, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI cho rằng, muốn làm gì, muốn thay đổi gì thì bắt đầu phải từ doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang vướng ở chỗ nào thì hỗ trợ của nhà nước sẽ hướng vào và tập trung vào những điểm đó.
Theo bà Trang, hiện nay, doanh nghiệp vẫn khó khăn nhưng không đơn độc vì vẫn có những công ty chuyên cung cấp những dịch vụ đánh giá thị trường để tận dụng những hiệp định. Doanh nghiệp cũng có sự hỗ trợ rất tốt từ các hiệp hội ngành hàng, từ các doanh nghiệp đã đi trước, có thể không chỉ là hỗ trợ để cho doanh nghiệp đó xuất khẩu được mà là cùng xuất khẩu với nhau. Tức là đôi khi đơn hàng quá lớn mà một doanh nghiệp có thể không đáp ứng nổi và đôi khi khách hàng đặc biệt những khách hàng EU đòi hỏi chất lượng ổn định thì các doanh nghiệp có thể kết hợp với nhau.
Ở góc độ quản lý, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang phối hợp với các tỉnh thành, xác định mỗi tỉnh sẽ tập trung vào một đến hai mặt hàng chiến lược, có thế mạnh của tỉnh, sau đó để cùng xây dựng các chương trình tuyên truyền hỗ trợ.
“ Hiện nay nguồn lực của đất nước chúng ta vẫn còn có hạn, nhiều khi bị dàn trải, bị phân tán và chưa có kết nối thì chúng tôi rất muốn kết nối tất cả chủ thể tham gia vào quá trình thực thi FTA, từ cơ quan trung ương đến địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, doanh nghiệp tư vấn, các hiệp hội làm sao kết nối lại được với nhau thành một chuỗi và có sự hỗ trợ lẫn nhau thì tôi nghĩ rằng là rất tốt”, ông Ngô Chung Khanh nêu quan điểm.
Đặc biệt, theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian tới, thay vì những hội nghị chung chung thì Bộ sẽ có những buổi tọa đàm, tập huấn sát hơn, thay đổi các tuyên truyền để làm sao có những cách thức chạm đến doanh nghiệp một cách nhanh nhất và sâu rộng nhất. Bộ Công Thương mong muốn phối hợp với các bộ, ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp, địa phương trong thời gian tới để tận dụng tối đa Hiệp định EVFTA và tăng tối đa cái giá trị thương hiệu của Việt Nam cho người Việt Nam.